Hồi Chúa gọi linh hồn linh mục vào lúc 21 giờ 09 phút ngày 17/2/2010, nhằm thứ năm, ngày Rằm tháng Giêng, một ngày rằm đặc biệt trong năm. Là người con quê hương Hải Hậu mến yêu, theo gót chân Ngài hoạt động trong phong trào Kính Chúa yêu Nước, tôi cảm phục nơi ngài thật nhiều. Ngài hiền hòa bao dung, nhưng cũng dứt khoát, đúng mực. Đã xác quyết thì đi tới cùng làm tới nơi, ngài gửi ý mình qua bài Trọn Đường:
Trái chín nửa vời là sao dịu ngọt,
Tay ôm nửa vời sao trọn… vòng tay!
Chân đi nửa vời làm sao đến đích,
Yêu Nước nửa vời một đời uổng công.
Nhắc đến ngài, người ta còn biết đến một người cha bao dung, hiền hòa. Đời tu của ngài cũng có nhiều thử thách cam go, sau hòa bình ở miền Bắc, ngài cũng có thời kì đi học tập cách mạng, gọi là đi học tập chứ thực chất là đi cải tạo... nhưng khi đi chấp hành ngài vẫn nhìn vào tương lai tươi sáng của xã hội và giáo hội, mọi việc ngài phó mặc cho Chúa quan phòng. Khi đi công tác, nhiều đêm được ngủ, được ăn cùng người, nhiều câu chuyện, kỉ niệm buồn vui sống lại bên ngài, kể cả thời kì ngồi tù, nhưng chưa bao giờ ngài kể với thái độ hằn học, trách móc; trái lại, hiền hòa, ôn tồn. Ngài còn chân chất đến mức, cứ kể mình thấp hèn, học kém nhất trong số các thầy dự tu, nhưng không hiểu vì sao, bề trên lại chọn ngài mới lạ!
Nay ngài đã lâm chung, chúng tôi tri ân ngài và lược kể vế một vài công đức, cống hiến của ngài theo chuỗi tuyến tính sau:
14 tuổi, cậu Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp bắt đầu con đường học để trở thành Linh mục. Thời đó, đất nước chưa bình yên nên cuộc sống của từng con người cũng không thể yên bình được.Thày Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp học hơn 10 năm, năm 1963 chịu chức. Tuy vậy, thày vẫn chưa thể trở thành Linh mục. Mười năm sau (1973) mới chính thức thành Linh mục, được nhận bài saivề nhà thờ Tứ Trùng, xã Hải Tân, Hải Hậu, Nam Định. Nhìn lại quãng thời gian đó linh mục Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp cho rằng: Cũng là do chiến tranh, loạn lạc, do hoàn cảnh khách quan cả thôi. Ông không than trách gì về những gian khó mà bản thân mình đã trải qua, chỉ ngày đêm cầu nguyện Đức chúa lòng lành ban bình yên cho mảnh đất này, để những thế hệ sau rộn vang tiếng cười, không còn trở trăn, day dứt.
Tại nhà thờ xứ Tứ Trùng, cha Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp cai quản 10 xứ, 26 họ với khoảng 18000 giáo dân. Những năm 1973, 1974, đất nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Đâu đó vẫn còn nảy sinh mâu thuẫn tôn giáo. Về cai quản các xứ đạo ở đây, cha Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp mong muốn đoàn kết giáo dân cùng tôn giáo bạn, hòa giải giữa đạo và đời, không hận thù.
Riêng về giáo dục: Hải Hậu là vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo. Trước đây, cuộc sống lam lũ, trẻ em vùng Công giáo mải mê làm việc giúp gia đình, thời gian còn lại đi lễ nhà thờ, học Kinh thánh,...nên việc học văn hóa bị xếp hàng thứ yếu. Cha Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp xót xa khi thấy con chiên thất học. Cha nghĩ rằng, muốn hiểu thấu lời răn của Chúa, muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn thì những giáo dân do mình cai quản phải học văn hóa tốt. Từ đó, ngài phát động các giáo xứ của mình hưởng ứng “phong trào học tập”. Trong các bài giảng, cha khuyên con chiên cố gắng học tập, giới trẻ ngoài việc học kinh Thánh cần tập trung thời gian để đến trường, học bài ở nhà. Bởi thế, tháng 5 là mùa dâng hoa, cha chủ trương để những người già, trung niên đến nhà thờ dâng thay. Kính chúa thì phải học tốt nên trẻ em vùng Công giáo chỉ tranh thủ đi lễ vào lúc chiều tối, sau đó lại chăm chỉ học tập.
Khoảng năm 2001, cha Vinh Sơn được điều về giáo xứ Thịnh Long. Ở vùng biển này, cha tiếp tục xây dựng phong trào “sống tốt đời đẹp đạo”. Cha lập quỹ khuyến học để động viên trẻ em đến trường. Quỹ khuyến học này dành cho tất cả các em học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt lương giáo. Các bài giảng của cha ngoài việc truyền đạt kinh Thánh còn khuyên giáo dân tránh xa những tệ nạn xã hội, kế hoạch hóa gia đình, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều đôi trẻ yêu nhau nhưng khác biệt về tôn giáo, gặp sự phản đối quyết liệt của gia đình đã tìm đến cha. Cha Vinh Sơn lại trở thành “bà mối” gỡ rối cho đôi trẻ. Nhiều đứa trẻ con nhà nghèo nhờ sự động viên, giúp đỡ của cha đã thành tài. Họ coi cha như ân nhân, nhưng cha thì không nhớ tên họ, cha gọi chung là “những con chiên thành đạt”. Tại nhà nghỉ hưu dưỡng của cha tại xứ Thịnh Long, tôi gặp những đứa trẻ năm xưa nay đã trở thành cử nhân, bác sỹ. Họ nói rằng: Dịp nào về quê, họ cũng đến thăm cha. Cha là người soi rọi đường đi cho họ, hướng họ tới tương lai tốt đẹp. Nhờ cha mà họ mới có ngày hôm nay. Nghe họ nói, chaVinh Sơn chỉ mỉm cười: Chúa dạy “Tay phải làm việc thiện đừng cho tay trái biết”. Xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho giáo dân là nhiệm vụ của Linh mục, gắn kết đạo – đời là điều Chúa mong mỏi, bởi Chúa dạy rằng “không thù là bạn”. Cha làm tất cả chỉ là theo lời răn của Chúa, với ước mong các xứ đạo mãi bình yên. Cha vui mừng vì các Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn - Chánh xứ Thịnh Long hiện tại, và lần lượt các linh mục Ngọc Hoàn, Giuse Mai Văn Châu – tham gia quản lý Tòa Giám mục Bùi Chu (vốn gọi cha là nghĩa phụ) đang tiếp bước cha chăn dắt con chiên, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ (27-7) những năm qua, mới nhất là 2010 vừa qua, các Linh mục, các hội đoàn của tám giáo họ thuộc ba xứ Thịnh Long, Trung Châu và Phú Hóa đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Thịnh Long. Thánh lễ đồng tế cầu nguyện tại nghĩa trang do Linh mục Tuấn chủ sự, Linh mục Châu phụ trách bài giảng. Tại buổi dâng thánh lễ này, Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp cũng có bài phát biểu tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, trong đó khẳng định “Các anh là những người con ưu tú của đất Việt thì cũng là những người con mà Thiên chúa yêu thương”. À, hóa ra đó cũng năm cuối cùng ngài tri ân với các anh!
Thánh ca có đoạn “Hãy gieo mầm tình yêu với những việc nhỏ bé. Cho người đói bát cơm đầy. Cho người khát ly nước tràn. Cho người than khóc ủi an. Hãy gieo mầm tình yêu sẽ gặt về hạnh phúc. Bởi người đã yêu thương người, chia sẻ thiết tha trong đời, cùng cho nhau niềm vui”.
Quang cảnh lễ viếng ngài
Tác giả thành kính thắp hương cho ngài