Niềm vui thánh đường mới
Theo các sử liệu Công giáo, giáo họ Hạ Nguyên thành lập năm 1825, dưới thời thừa sai Ambrosiô coi sóc hạt Quỳnh Lưu. Lúc bấy giờ, địa danh xã hội là làng Bè và địa danh Giáo hội là Hội Nguyên (gồm 3 vùng: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên), thuộc xứ Cẩm Trường. Về đơn vị hành chính, làng Bè bao gồm các xóm Bè Thượng, Bè Trung và Bè Hạ (tương ứng với Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên). Năm 1893, khi tách Hội Nguyên ra thành 3 vùng đạo độc lập, thì Bè Hạ vẫn là một họ đạo với tên gọi là Hạ Nguyên, thuộc xứ Cẩm Trường. Năm 1914, khi giáo xứ Thuận Nghĩa thành lập, thì cả 3 họ Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên đều thuộc giáo xứ Thuận Nghĩa.
Từ khi tách ra 3 giáo họ riêng biệt, Thượng Nguyên và Trung Nguyên đã có nhà nguyện, còn Hạ Nguyên thì chỉ có cái nền nhà thờ cũ . Đến năm 1923, giáo họ Hạ Nguyên mới tạo dựng được cơ sở thờ phượng với quy mô khiêm tốn, mang tính tạm bợ. Thời điểm này, Hạ Nguyên chỉ có 9 gia đình với 35 tín hữu, sau đó có thêm một số tín hữu ở xứ đạo khác đến đây sinh sống. Theo dòng thời gian, số lượng tín hữu dần dần đông lên, hiện nay là gần 600 người nhưng nhà thờ vừa chật hẹp vừa xập xệ, nhu cầu xây dựng nhà thờ mới trở nên cấp thiết.
Với quyết tâm cao của cha xứ và cộng đoàn giáo dân, được sự ủng hộ của Tòa Giám mục và sự chấp thuận của chính quyền, công việc xây dựng nhà thờ Hạ Nguyên mới đã được triển khai và động thổ từ ngày 06/02/2003. Ngày 18/03/2003 Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Hạ Nguyên.
Sau 5 năm triển khai với nhiều khó khăn về kinh phí, ngôi thánh đường mới được hoàn thiện với chiều dài 37m, rộng 14m, tháp cao gần 35m, giáo dân hân hoan vui mừng, lương dân chia sẻ chúc mừng. Trong lễ khánh thành nhà thờ, ngày 28/4/2008 có hơn 2000 người tham dự. Trong đó hầu hết anh chị em lương dân nơi đây đều được mời đến tham dự. Cha xứ Thuận Nghĩa cho biết, trong quá trình xây dựng nhà thờ, nhiều người lương dân trong xóm đã quảng đại giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Ngoài tình cảm tốt đẹp lương, giáo trong xóm lâu nay, hết thảy người dân còn xem ngôi thánh đường như một công trình văn hóa của làng, góp phần đào tạo con người với những giá trị nhân bản, nhân văn và tiến bộ.
Giáo họ khởi sắc, giáo dân tiêu biểu
Với tình yêu và hồng ân của Thiên Chúa, Hạ Nguyên không chỉ từng bước vượt qua khó khăn mà còn có thêm những người giáo dân tiêu biểu cả việc đạo và việc đời, góp phần xây dựng giáo họ thêm khởi sắc, trong đó có ông Nguyễn Phi Long- Phó ban Hành giáo Hạ Nguyên.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Phi Long về địa phương lập gia đình và được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn. Bắt tay vào xây dựng cuộc sống, anh trải qua nhiều nghề, nhiều việc. Đến năm 2003, sau khi tích lũy được vốn và kinh nghiệm, Nguyễn Phi Long tập hợp anh em ở các nhóm thợ rồi vay thêm vốn thành lập công ty TNHH Việt Trang chuyên về xây dựng, san lấp mặt bằng. Vài năm đầu, công ty chỉ giám nhận những công trình đơn giản, quy mô nhỏ. Đến nay công ty đã phát triển với hàng chục xe và máy thi công các loại, hàng trăm công nhân tay nghề cao, không chỉ thi công các công trình lớn trên địa bàn và còn mở rộng ra ngoài tỉnh với nhiều công trình về đường giao thông, trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện nay công ty Việt Trang có 40 lao động có lương bình quân 3,5-4 triệu đồng/tháng; 60 công nhân thời vụ mức lương từ trên 2 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Việt Trang được UBND, Phòng Thuế huyện Quỳnh Lưu tặng bằng khen vì sản xuất kinh doanh giỏi, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế. Công ty Việt Trang còn nhận nuôi một số trẻ em mồ côi, tạo điều kiện để các em đến trường học văn hóa, học nghề; tích cực đóng góp trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị bão, lũ.

Ông Nguyễn Phi Long, người giáo dân tiêu biểu
Phó ban Hành giáo Hạ Nguyên, Giám đốc công ty TNHH Việt Trang Nguyễn Phi Long cho biết, ở Hạ Nguyên hiện nay có 2 công ty xây dựng, 8 tổ xây dựng, 6 cơ sở làm đồ gỗ, 18 hộ kinh doanh hàng tiêu dùng. Những chuyển dịch ngành nghề và sự chú trọng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần giảm nhanh số hộ nghèo ở Hạ Nguyên từ 20% năm 2005 còn 6% năm 2009, số hộ khá và hộ giàu tăng từ 18% lên 55%, không còn hộ đói. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng từ 4,4 triệu đồng/năm 2005 lên 12 triệu đồng/năm 2009. Hiện nay Hạ Nguyên có 32 hộ thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm. Tất cả đường làng, ngõ xóm ở Hạ Nguyên đã trải bê tông, có điện chiếu sáng, bộ mặt quê hương, giáo họ thật sự khởi sắc. Quan hệ ứng xử giữa gia đình và cộng đồng dân cư, giữa lương và giáo, giữa giáo họ và chính quyền địa phương trở nên hài hòa, đoàn kết. Nhiều năm liền, Hạ Nguyên được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh.
Ông Long chia sẻ thêm: “Bản thân tôi vừa là một công dân vừa là một giáo dân, tôi luôn ý thức thực hiện các nghĩa vụ công dân và các giới răn của Chúa, cùng với cộng đoàn giáo dân nhiệt tình hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.” Gia đình ông Long nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Ông Long vinh dự là một trong 10 đại biểu ưu tú đại diện cho người Công giáo của huyện Quỳnh Lưu đi dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào Công giáo tỉnh Nghệ An tổ chức năm 2010.