Gương điển hình

Linh mục Phan Khắc Từ: Tôi vâng phục đấng bản quyền Giáo hội và muốn cống hiến cho Tổ quốc.

Cập nhật lúc 16:11 14/04/2011

Linh mục Phan Khắc Từ được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và qua quá trình hiệp thương, linh mục đã có tên trong danh sách chính thức những người ứng  cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Nhân dịp này, linh mục đã trả lời phỏng vấn trên báo Người Công giáo Việt Nam. Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Xin linh mục cho biết quá trình tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và những đóng góp của linh mục đối với phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam? 

Linh mục Phan Khắc Từ: Từ năm 1969, khi tôi đang là tuyên úy Thanh Lao Công (Thanh niên lao động Công giáo –viết tắt TLC) đi dự Đại hội TLC Quốc tế tại Beyrouth -Li Băng và qua Pháp tu nghiệp về phương pháp làm TLC, tôi trải nghiệm một thực tế sôi sục của những người lao động đấu tranh cho quyền sống và được sống với một số linh mục thợ tại Pháp và tôi bắt đầu đọc Tin Mừng theo một nhãn quan mới. Cũng từ đó tôi lựa chọn đứng về phía người nghèo, người lao động và về phía các dân tộc bị áp bức. Cũng từ đó tôi có thiện cảm với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Sau khi về Việt Nam vào cuối năm 1970, tôi tham gia tích cực các cuộc đình công bãi thị của giai cấp công nhân, đấu tranh tại đô thị cùng với sinh viên, trí thức và để dấn thân triệt để hơn đối với thành phần nghèo khổ nhất, tôi đã tình nguyện làm công nhân hốt rác trong 02 năm 1973-1974. Lúc đó, nhiều người gọi tôi bằng cái tên rất dễ thương là “linh mục hốt rác”. Cùng giai đoạn này, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Nhân dân cứu đói và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động.
 
Ngay sau giải phóng miền Nam, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng và ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, thường trực Ủy ban Vận động Công giáo, rồi Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay. Từ 1983, tôi được bầu làm Phó Tổng Thư ký, rồi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tới nay.
 
Là linh mục Công giáo, tôi gắn bó với Giáo hội và vâng phục đấng bản quyền, là công dân của Tổ quốc Việt Nam, tôi muốn cống hiến cuộc sống của tôi cho Tổ quốc, cho đồng bào ruột thịt. Chính từ đó, tôi tìm được môi trường lý tưởng cho cuộc đời mình là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam để cống hiến đời mình cho Chúa Kitô, cho  đất nước và dân tộc.
 
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam dạy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, “vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng động mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa” (TC 1980, số 9).
 
Linh mục Phan Khắc Từ (ngoài cùng bên trái) trong lần gặp
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: An Luých
 
Phóng viên: Linh mục có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc, những câu chuyện khi linh mục là đại biểu Quốc hội?
 
Linh mục Phan Khắc Từ:  Tôi là đại biểu Quốc hội 3 khóa 8, 9, 10, tôi có một số kinh nghiệm về hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là một diễn đàn rất quan trọng, mỗi tầng lớp nhân dân cần trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia để giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước, vì đất nước này không của riêng ai, vì Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bản thân tôi dù có nhiều hạn chế, tôi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, như khi sửa đổi Hiến pháp 1992, cụm từ Tổ quốc Việt Nam là “thiêng liêng và bất khả xâm phạm” là sáng kiến của tôi. Trên lãnh vực tôn giáo, chính tôi đề nghị thêm chữ “tôn giáo” sau chữ tín ngưỡng. Về câu: Ai lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì bị trừng trị, tôi đề nghị thêm câu “ai vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng bị trừng trị”. Về chống tham nhũng, tôi đề nghị ghi thêm tội danh bao che. Tôi tiếp xúc với cử tri, những người khiếu nại, tố cáo bất kể ngày đêm, tôi đã thuê một luật sư nghiên cứu hồ sơ và giúp tôi chuẩn bị văn bản kiến nghị. Tôi đã góp phần giải quyết được một số việc oan sai. Ba nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội đã để lại trong tôi ấn tượng đẹp của một người đại biểu của dân.
 
Phóng viên: Nếu được cử tri lựa chọn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, linh mục sẽ ưu tiên tới những vấn đề gì?
 
Linh mục Phan Khắc Từ: 15 năm là đại biểu Quốc hội, tôi hiểu rõ về trách nhiệm nhân dân trao phó, gần gủi với nhân dân, lắng nghe và phản ảnh nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân lao động và thành phần nghèo, người bất hạnh trong xã hội, chống bất công, tham nhũng để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Phóng viên: Để tiếp tục sự phát triển tích cực trong đời sống đạo- đời của đồng bào Công giáo và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo linh mục cần phải thực hiện đường hướng nào?
 
Linh mục Phan Khắc Từ: Đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được xác định mạnh mẽ qua Sứ điệp Đại hội dân Chúa tháng 11-2010. Nội dung căn bản của Sứ điệp là: Hội thánh phải đổi mới không ngừng để thật sự là Hội thánh Chúa Kitô trong lòng quê hương Việt Nam. Hội thánh tại Việt Nam phải hội nhập vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Hội thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế, chính trị, vì yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm. Đức Thánh cha Benedict XVI còn xác định vị thế của người Công giáo Việt Nam khi nói: Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chọn Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm cẩm nang cho mọi hoạt động. Tôi nguyện tiếp tục đi tiên phong trong sứ mạng này.
 
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn linh mục!
An Luých (thực hiện)
Thông tin khác:
LM. Giuse Trần Mạnh Cường hết lòng yêu quý, đoàn kết đồng bào vùng cao, người chọn đó là quê hương thứ hai (06/04/2011)
Một gia đình giáo dân Hà Nội vẫn trân trọng lưu giữ tấm thẻ cử tri Quốc hội khóa I, trên 60 năm qua (05/04/2011)
Linh mục Trần Mạnh Cường: Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước tạo được niềm tin ngày càng lớn trong đồng bào các tôn giáo (04/04/2011)
Nhớ Chị Hồ Thị Chính (24/03/2011)
Hạ Nguyên khởi sắc (06/03/2011)
GIÁO VIÊN NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NHIỀU SÁNG KIẾN TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG “TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” (02/03/2011)
“Yêu Nước nửa vời một đời uổng công” (21/02/2011)
Giáo dân Phong Ý hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa và đoàn kết trong phong trào thi đua yêu nước (17/02/2011)
Tiếp tục con đường dấn thân và phục vụ (20/01/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log