Gương điển hình

Linh mục Trần Mạnh Cường: Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước tạo được niềm tin ngày càng lớn trong đồng bào các tôn giáo

Cập nhật lúc 18:30 04/04/2011

Ghi nhận những cống hiến của linh mục Trần Mạnh Cường, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân Chương Đại đoàn kết cho linh mục. Nhân dịp linh mục vừa được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, báo Người Công giáo Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn xung quanh những đóng góp và những ý kiến của linh mục. Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn.

 Phóng viên: Xin chúc mừng linh mục vừa được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Nhân dịp này, linh mục có thể chia sẻ về những đóng góp của mình và kết quả phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo của đồng bào Công giáo tỉnh Đắk Lắk? 

Linh mục Trần Mạnh Cường: Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định “Yêu nước, yêu đồng bào không phải chỉ là tình cảm tự nhiên, nhưng còn là đòi hỏi của Tin mừng”. Và gần đây Đức Giáo hoàng đương kim đã nhắn nhủ giáo dân Việt Nam: “một người giáo dân tốt, cũng phải là một công dân tốt” có nghĩa là “để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ, hy vọng và lo âu cùng dân tộc trong tiến trình phát triển của xã hội...”
 
Với chức năng là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk tôi cố gắng làm mọi việc mà sức mình có thể làm được theo tinh thần của Thư chung, dành công sức, tâm trí của mình để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong đồng bào Công giáo ở Đắk Lắk, góp phần để xây dựng tỉnh nhà, xứ đạo giàu đẹp, văn minh.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rộng với 13.215 km2 lại mang nhiều sắc thái riêng, đặc biệt là đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 44 dân tộc anh em. Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo ở Đắk Lắk thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” với nhiều cách làm phù hợp với đặc điểm thực tế của một vùng đất có nhiều dân tộc. Hầu hết các xứ đạo, nơi có đông đồng bào Công giáo là người Kinh và người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, rất ít tệ nạn xã hội.
 
Đa phần đồng bào Công giáo trong tỉnh là nông dân, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng trong phong trào thi đua yêu nước, họ đã có cách làm năng động, kịp thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều giáo dân thành công trong việc trồng cà phê, hồ tiêu và ngay cả hoa nữa. Cà phê Đắk Lắk trở thành một thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân của người Công giáo chuyên chế biến và xuất khẩu cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao như doanh nghiệp Thu Thuỷ, Nam Nguyệt…. Nhiều giáo dân còn thành công trong lĩnh vực khác như doanh nghiệp Công Thành, Trường Hải chuyên kinh doanh ôtô; Việt Hà khai thác khóang sản; Ngọc Lan kinh doanh vật liệu xây dựng… Các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. 
 
Nét đẹp trong phát triển kinh tế là bà con giáo dân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chia sẻ, giúp các anh em dân tộc thiểu số về vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo. Đặc biệt trong những trận thiên tai tại miền Trung, và vừa qua tại Nhật Bản, các linh mục, giáo dân đã bằng nhiều hình thức quyên góp thể hiện tình thương yêu, bác ái đối với những mất mát,  đau thương của đồng bào miền Trung và nhân dân Nhật Bản.
 
Phóng viên: Linh mục có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào theo đạo Công giáo và không theo đạo ở Đắk Lắk?
 
Linh mục Trần Mạnh Cường: Dân số Đắk Lắk có 1,8 triệu người, trong đó anh em dân tộc thiểu số chiếm hơn 31% dân số, có 230 nghìn giáo dân. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh có 80 ủy viên trong đó có các uỷ viên là người dân tộc thiểu số. Các thành viên của Ban Đoàn kết Công giáo ở các huyện, thị trấn phối hợp cùng với giáo dân các giáo xứ lân cận đến tận buôn, làng của người M’nông, Ê đê, Ba Na, Sedang.... hướng dẫn bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác cây trồng và nuôi gia súc, giúp khoan giếng nước và lắp đặt máy lọc nước cho dân làng, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình nghĩa. Qua đó tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong đồng bào được xây dựng. Những việc làm trên chính là cầu nối giữa người Kinh và bà con người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên sức mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội và các xứ đạo ở Đắk Lắk.
Linh mục Trần Mạnh Cường: Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội,
Chính phủ cần có đạo luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh: An Luých
 
Phóng viên: Suy nghĩ của linh mục về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo?
 
Linh mục Trần Mạnh Cường: Tôi cảm nhận rằng, đất nước chúng ta đã và đang đổi mới rất nhiều. Đặc biệt từ sau Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI (năm 1986 ) đến nay, kinh tế không ngừng phát triển, chúng ta đã gia nhập những nước có thu nhập trung bình, an ninh chính trị được giữ vững, quan hệ Quốc tế ngày càng mở rộng và có uy tín. Qua đó, chủ chương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước cũng đổi mới rõ rệt, tạo được niềm tin ngày càng lớn trong đồng bào các tôn giáo. Nhiều nhà thờ được xây mới khang trang, sinh hoạt tôn giáo của giáo dân cũng thuận lợi hơn nhiều… Nhiều người vừa là giáo dân tốt vừa là công dân gương mẫu, nhiều người Công giáo được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhiều cán bộ là người Công giáo đang công tác tại các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp…
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ cơ sở do nhận thức chưa đúng chủ trương, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nên xử lý một số vụ việc chưa đúng và chưa khéo. Theo tôi, những cán bộ làm công tác tôn giáo hoặc công tác trong vùng có đông bà con theo tôn giáo không những phải nắm vững, hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo mà còn phải được trang bị những hiểu biết nhất định về tôn giáo cụ thể. Đồng thời nên tham khảo và lắng nghe ý kiến của các chức sắc tôn giáo, điều đó sẽ góp phần làm cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo phát huy hiệu quả tốt.
 
Phóng viên: Linh mục đang là đại biểu Quốc hội khóa XII, là ủy viên Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, nếu được tiếp tục làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, linh mục sẽ thực hiện đường hướng nào để góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước, thăng tiến con người và phát triển Giáo hội Công giáo?
 
Linh mục Trần Mạnh Cường: Là đại biểu dân cử, không chỉ là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của địa phương mình, của Tôn giáo mình, mà còn là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước thông qua công tác nghị trường là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu được cử tri tín nhiệm và bầu tôi vào Quốc hội khóa XIII, tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.
 
Với tư cách là một đại biểu Công giáo, và là một linh mục, tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ có một đạo luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đời sống tâm linh của đồng bào các tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ theo pháp luật. Theo tôi, hiện nay những Pháp lệnh, Nghị định về Tôn giáo là chưa thật rõ ràng và ổn định.
 
Nếu được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận, tôi sẽ đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng nội dung của Luật.
 
Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi cũng sẽ luôn tiếp tục đồng hành cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nhà và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng bào Công giáo trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”.
 
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn linh mục!
An Luých (thực hiện)
Thông tin khác:
Nhớ Chị Hồ Thị Chính (24/03/2011)
Hạ Nguyên khởi sắc (06/03/2011)
GIÁO VIÊN NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NHIỀU SÁNG KIẾN TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG “TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” (02/03/2011)
“Yêu Nước nửa vời một đời uổng công” (21/02/2011)
Giáo dân Phong Ý hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa và đoàn kết trong phong trào thi đua yêu nước (17/02/2011)
Tiếp tục con đường dấn thân và phục vụ (20/01/2011)
VŨ HỒNG HỢP – ANH THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ (09/01/2011)
Linh mục Vinh (08/01/2011)
Có một người con Công giáo như thế! (08/01/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log