Gương điển hình

Người đi đường khó...

Cập nhật lúc 10:10 22/05/2017
“Không ai quyết liệt với nghề như Vương Đức. Trong các phim của mình, Vương Đức luôn muốn khắc họa đến tận cùng những gì là dữ dội, khốc liệt nhất trong tích cách con người Việt Nam, vì vậy không phải lúc nào anh cũng được khán giả ngay lập tức chấp nhận. Vương Đức luôn chọn con đường khó để đi và hình như nếu đường không khó thì quyết không đi...”
Đạo diễn - NSƯT Vương Đức trong chuyến đi thực tế ở Hà Giang
Đạo diễn - NSƯT Vương Đức trong chuyến đi thực tế ở Hà Giang
        Một người bạn của Vương Đức nhận xét về anh thế này: “Không ai quyết liệt với nghề như Vương Đức. Trong các phim của mình, Vương Đức luôn muốn khắc họa đến tận cùng những gì là dữ dội, khốc liệt nhất trong tích cách con người Việt Nam, vì vậy không phải lúc nào anh cũng được khán giả ngay lập tức chấp nhận. Vương Đức luôn chọn con đường khó để đi và hình như nếu đường không khó thì quyết không đi...”. Người như Vương Đức, coi điện ảnh không phải chỉ như một công việc, một sự nghiệp, mà cao hơn nữa, là thánh đường, là một thứ tôn giáo, thì tâm trạng lúc nào cũng đầy ứ những nỗi niềm, những day dứt là điều dễ hiểu...

         Trở về sau Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 với giải thưởng Bông sen bạc cho bộ phim Rừng đen, Vương Đức hình như không vui, mà cũng không buồn. Là người không ngại phát ngôn, nhưng lúc này Vương Đức bày tỏ anh chỉ muốn im lặng để tiếp tục làm việc. Tôi hiểu rằng Vương Đức không có được cảm giác hài lòng, ngay cả những khi tác phẩm anh làm giành giải cao nhất một cuộc đua tài nào đó đi nữa. Vì giải thưởng đối với Vương Đức chưa khi nào quan trọng. Anh không làm phim cho một Ban giám khảo. Anh làm phim vì những khao khát được khám phá chính bản thể mình, cho những suy ngẫm và trải nghiệm mà anh đã nung nấu, cất giữ. Và luôn luôn là một cảm giác không hài lòng thường trực. Nhưng xét cho cùng, khi người làm nghệ thuật đã có được cảm giác hài lòng, viên mãn, liệu họ sẽ còn điều gì để hướng tới?


​         Mấy chục năm làm nghề Vương Đức mới chỉ có vẻn vẹn một gia tài  phim được đếm trên đầu ngòn tay: Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi, Rừng đen... Đến một đạo diễn trẻ thế hệ 7X hôm nay cũng có thể đã có số lượng phim lớn hơn con số ít ỏi ấy. Nhưng Vương Đức nói: “Tôi không hề lười. Sức tôi trong 10 năm chỉ có thể làm được 2 bộ phim mà thôi”. Và rất nhiều lần anh tuyên bố, anh chỉ làm khoảng chừng 5-6 phim truyện nhựa trong sự nghiệp của mình: “Tôi muốn làm phim khi phong độ của mình còn tốt cả về sức khỏe và tinh thần. Phim tôi làm luôn luôn phim sau phải hay hơn phim trước”. 

​         Vì sao Vương Đức chỉ làm phim truyện nhựa? Rất đơn giản, phim truyện nhựa là thể loại khó nhất. Và phải nói ngay rằng ở nước mình, phim truyện nhựa xưa nay chẳng mang được nhiều lợi lộc về tiền bạc, vật chất cho các nghệ sĩ. Đó là mảnh đất mà chỉ những người yêu nghề, đau nghề, dám xả thân, có khát vọng cháy bỏng làm nghề đến để cày xới, gieo hạt. Nó không phải là công việc thời vụ. Nó cần một tình yêu không toan tính, không vụ lợi. Thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước, phim “mì ăn liền” lên ngôi, điện ảnh đích thực bị lép vế, Vương Đức đóng cửa ngồi nhà ăn cơm vợ nuôi, dù anh biết nếu mình gia nhập đội hình làm phim thời thượng ấy, gia đình nhỏ của anh sẽ không phải sống quá chật vật. Sau này, Vương Đức cũng không làm phim truyền hình, phần vì không có kịch bản hay, phần vì cái “tạng” của Vương Đức ưa ngâm ngợi, thấu đáo. Anh không thích hai chữ “ăn xổi” trong nghệ thuật, cũng không cần thành tích, không màng danh hiệu. Mỗi bộ phim của Vương Đức dường như là sự vắt kiệt con người anh trong một giai đoạn. Kỹ càng đến sốt ruột, khó tính đến cực đoan, đến khắc nghiệt- đó chính là Vương Đức của điện ảnh. Không chịu nhạt mỗi lần xuất hiện, ngay từ phim đầu tay Cỏ lau Vương Đức đã giành giải thưởng trong nước và quốc tế. Với số lượng phim ít ỏi nhưng tên tuổi Vương Đức đã đi “lòng vòng” khắp thế giới, nhận được nhiều cảm tình đặc biệt của khán giả. Trong mỗi tác phẩm của mình Vương Đức đều tham vọng chạm tới một góc khuất sâu thẳm của đời sống, của những thân phận con người mà thói thường, những ai nhìn điện ảnh một cách hào nhoáng sẽ khó lòng để mắt tới. Vương Đức xắn tay vào những đề tài gai góc như chiến tranh, nông thôn, rừng... những đề tài không chỉ thách thức tài năng mà còn thách thức cả sức vóc gầy gò có phần ốm yếu của anh. Vắt kiệt đến nỗi mỗi khi hoàn thành một tác phẩm là Vương Đức rơi vào trạng thái rỗng, cần nhiều thời gian để hồi phục, để trở lại trạng thái ban đầu tiếp tục cho những sáng tạo mới. Tôi trộm nghĩ, người ăn điện ảnh, ngủ điện ảnh, đến giấc mơ cũng mơ về điện ảnh như Vương Đức thì chính những người thân của anh sẽ là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Thật may Vương Đức có điểm tựa là một người vợ hiền hết lòng chia sẻ. Chị gánh vác cùng anh mọi cực nhọc của đời sống những năm khó khăn, sẵn sàng chịu đựng những cơn “lên đồng” rất nghệ sĩ của anh, an ủi và động viên anh những lúc hoạn nạn. 
 
Đạo diễn - NSƯT Vương Đức chỉ đạo diễn xuất phim Nhà tiên tri (ảnh: Hải Hà)
Đạo diễn - NSƯT Vương Đức chỉ đạo diễn xuất phim Nhà tiên tri (ảnh: Hải Hà)

​         Vương Đức không có được cái vẻ khéo léo của một người làm nghệ thuật biết thế nào là có lợi cho mình. Anh thẳng thắn đến quyết liệt. Những phát ngôn của anh bao giờ cũng không ngại ngần đụng chạm. Là người làm nghề, Vương Đức không ngại đối thoại, nếu mục đích cuối cùng là để cho những giá trị thật được bảo toàn. Làm điện ảnh là công việc thoạt nhìn thì có vẻ lấp lánh, nhưng thực chất đó lại là công việc khổ sai, vất vả, cực nhọc. Người làm điện ảnh trong điều kiện thiếu thốn về tiền, về kỹ thuật và cả về cơ chế như nước mình lại càng chật vật hơn nữa. Vương Đức từng gây “sốc” với phát ngôn, rằng mình “phải chịu 3 kiếp chó để làm phim”, từ việc chạy vạy kịch bản để được duyệt đến việc xin kinh phí, rồi việc đưa phim đến khán giả...Vương Đức cũng không ngại ngần mổ xẻ về tính đố kỵ của người làm nghệ thuật, mà không ít lần anh là “nạn nhân”. Song lẽ đời, những lời nói thật thì có ích, nhưng nó lại thường hay mang đến những phiền toái. Vương Đức thừa nhận: “Đồng nghiệp soi tôi rất kỹ, có lẽ vì tôi có nhiều cái xấu. Cái xấu lớn nhất là hay nói thẳng, nói thật”. Và anh đề nghị: “Họ có thể ghét tôi nhưng họ cần phải đối xử bình đẳng với phim của tôi và các diễn viên đóng phim của tôi”. Nhưng nếu bảo Vương Đức rằng anh nên “lựa lời” cho có lợi lúc phát ngôn để tránh những phiền phức thì chắc chắn Vương Đức sẽ trả lời: “Tôi không làm được”.

​         Vừa làm quản lý một Hãng phim nhà nước với trăm ngàn công việc “bà giằng” mệt mỏi lại vừa làm công việc của một đạo diễn mang tính chất cá nhân, độc lập, Vương Đức phải có một khả năng phân thân tốt. Anh đau đáu về một thị trường điện ảnh phát triển, phim Việt phải tới rạp để “hội ngộ” cùng khán giả, những người làm phim phải được làm việc trong những điều kiện tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Vương Đức chia phim thành hai loại: phim khán giả và phim độc lập. Phim khán giả, theo anh là phim có thể rất nghệ thuật, nhưng đạo diễn không đi vào khám phá những ngôn ngữ, hình thức nghệ thuật quá phức tạp. Còn phim độc lập là loại phim đặt tính nghệ thuật lên hàng đầu, đưa ra những khám phá, sáng tạo, cách tân mới. Đó là những phim làm để tham dự các cuộc thi, giành giải thưởng, làm sang cho nền điện ảnh mỗi nước. Trên cương vị quản lý của mình, Vương Đức luôn sẵn lòng giúp đỡ các đạo diễn trẻ để họ có được những tác phẩm tốt. Anh thường nhắc đến các đạo diễn trẻ như Bùi Tuấn Dũng, Đào Duy Phúc, Trần Trung Dũng như một niềm tự hào của Hãng phim truyện. Có một nguyên tắc ở Vương Đức mà tôi rất lấy làm quý trọng, là anh luôn giữ một thái độ tôn trọng tuyệt đối khi nhắc về đồng nghiệp, nhất là những người trẻ tuổi. Ngay cả những lúc phát ngôn gay gắt, khó nghe nhất, thì nguyên tắc ấy cũng không hề bị xê dịch. Cái gay gắt của Vương Đức chung quy lại là trên tinh thần xây dựng và trung thực, vì cái chung của cả một nền điện ảnh, không bao giờ nhằm vào một cá nhân nào.

​         Với điện ảnh, lúc nào Vương Đức cũng giữ một đức tin. Anh không cho phép mình sơ suất điều gì. Một số nhà văn đã từng cộng tác làm biên kịch với anh thừa nhận, Vương Đức đạo diễn rất gần với một Vương Đức nhà văn. Anh làm việc trên tinh thần phản biện. Và dường như Vương Đức chỉ bắt đầu công việc làm phim khi anh đã có trong tay một kịch bản hoàn hảo tới từng milimet. Anh truy vấn mọi vấn đề đến cùng, và trả lời đến cùng những câu hỏi mà mình đặt ra, không khoan nhượng. Người yêu điện ảnh, nếu đã từng xem Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi hay Rừng đen của Vương Đức đều có thể lý giải được điều này. Những câu chuyện khốc liệt, những phận đời khốc liệt và cả những kết thúc nhiều khi làm khán giả bất ngờ, thậm chí là đau đớn... đã khiến cho phim của Vương Đức luôn để lại những ấn tượng khó quên. Khán giả có thể nói thích hay không thích phim của anh, nhưng họ phải thừa nhận rằng, Vương Đức đã luôn để những câu chuyện xảy ra như nó cần phải thế, không gượng ép, không áp đặt. Những đau đớn, khốc liệt (nếu có) cũng chính là tinh thần hướng tới những giá trị đích thực của đời sống, của nghệ thuật mà không cần phải tô vẽ hay làm điểm trang, làm điệu.

​         Một nhà thơ từng nói đại ý, đã là kẻ sĩ thì điều còn lại cuối cùng chính là lòng tự trọng. Vương Đức là một người làm điện ảnh, một kẻ sĩ. Thời bao cấp, giống như nhiều nghệ sĩ khác, anh cũng đã từng phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, Vương Đức vẫn nhìn về điện ảnh như một ngôi đền thiêng và bảo toàn đức tin của mình. Lòng tự trọng của anh trước nghệ thuật chưa một phút giây nào bị đánh mất. 

​         Nếu cần phải kiên nhẫn để chờ đợi những tác phẩm mới của Vương Đức, thì tôi tin, người yêu điện ảnh sẽ vẫn vui lòng. 

​         Vì họ biết rằng họ sẽ không phải thất vọng.

BÌNH NGUYÊN TRANG
Thông tin khác:
Thánh nữ Faustina Kawalska (18/05/2017)
Thánh Giêrađô Majella (10/05/2017)
Chuyện tình người lính trẻ (09/05/2017)
Người minh chứng phép lạ (08/05/2017)
Bàn tay đắp bồi trên mảnh đất phù sa (05/05/2017)
Cha Piô ”Năm dấu Thánh” (04/05/2017)
Người mục tử có tấm lòng của một người mẹ (03/05/2017)
Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) Tinh hoa Công giáo ái quốc (19/04/2017)
Thánh Gioan Maria Vianney (17/04/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log