Quang cảnh nhà thờ giáo xứ Suối Nho. Ảnh: CTV |
Năm 1975, một số giáo dân gốc Bùi Chu, Phát Diệm đến xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai phát hoang rừng, dựng chòi sinh sống làm rẫy trồng trọt. Khoảng năm 1978, giáo dân từ miền Bắc rủ nhau vào lập nghiệp ngày càng đông, bà con đã dựng một nhà nguyện tạm bằng cây, mái lá làm nơi đọc kinh, cầu nguyện mỗi ngày. Một thời gian sau, cha Phêrô Trần Đức Nam quy tụ giáo dân nơi đây và lập nên một họ đạo thuộc giáo xứ Tam Phú. Năm 1988, Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chính thức nâng họ đạo này lên thành giáo xứ và lấy tên là giáo xứ Suối Nho (nho rừng mọc nhiều bên suối nên nơi đây được gọi là Suối Nho), đồng thời Đức cha Phaolô Maria bổ nhiệm cha Antôn Trần Văn Bài làm chánh xứ tiên khởi. Bên cạnh việc giúp cho sinh hoạt của các hội đoàn đi vào nề nếp, cha Antôn và cộng đoàn Suối Nho đã xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà giáo lý. Năm 1998, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Bình về kế nhiệm cha Antôn. Cha cùng cộng đoàn tu sửa nhà thờ và giúp cho đời sống thiêng liêng của giáo dân Suối Nho ngày càng thăng tiến. Mười năm sau (2008), cha Giuse Nguyễn Đức Thắng được cử đến phụ trách giáo xứ. Cha Giuse cùng với cộng đoàn Suối Nho xây dựng mới nhà giáo lý, hội trường, đài Đức Mẹ và đài thánh Giuse… khuôn viên rộng lớn được trang trí đẹp mắt với những cây kiểng từ bonsai đến cổ thụ, những hồ nhỏ đến ao lớn, nuôi nhiều loại cá từ nhỏ đến lớn, từ cá chép đến cá hải tượng…Dưới sự hướng dẫn của cha Giuse, cộng đoàn Suối Nho đã ổn định và phát triển về mọi mặt như hiện nay.
Nhắc đến Suối Nho, một điều phải nói đến, đó là tốc độ phát triển giáo dân tại vùng đất “Chảy sữa và mật ong” với đất đai mầu mỡ, cây trái xum xuê này. Ông Vicente Phan Văn Khải, người có mặt từ những ngày đầu. Ông từ Ninh Cường, Bùi Chu vào định cư, nay là đượng kim ChánhTrương, Trưởng Ban Hành giáo kể: “từ năm 1979 mới chỉ trên dưới 1.000 người; ba năm sau, năm 1982 đã lên đến 12.000; năm 1987 là 18.000. Năm 1988, năm chính thức lập xứ với số dân 22.000 người. Sau khi tách một giáo họ lập nên giáo xứ Xuân Bắc, và lập lại ranh giới các giáo xứ lân cận, giáo xứ Suối Nho còn khoảng 9.000 người. Hiện nay giáo dân xứ Suối Nho xấp xỉ 12.000 người”.
Mỗi đời cha xứ đã để lại cho giáo dân nhiều dấu ấn tốt đẹp và lớn mạnh cả cơ sở vật chất lẫn đời sống đức tin. Ngày 7/10/2020, cha Phanxicô Xaviê Hoàng Văn Hương được cử về làm Chánh xứ, cha Giuse Bùi Kim Quang là Phó xứ. Mặc dù có sự thay đổi các vị mục tử chăn dắt đoàn chiên vào thời gian ngay trước dịch bệnh nhưng sức sống, niềm tin của giáo dân xứ đạo vẫn được duy trì và đẩy mạnh hết sức cụ thể và sống động. Những ngày cao điểm lúc dịch COVID-19 tràn về vùng đất hiền hòa của xã Suối Nho, giáo xứ đã tức thời lên kế hoạch vận động các khu giáo, đoàn thể, các giới tham gia vào các hoạt động bác ái từ thiện. Tại khuôn viên nhà thờ, nhà Giáo lý lập tổ tiếp nhận phẩm vật, lương thực; mở cửa hàng 0 đồng tại khu vực nhà xứ và nhà dòng nữ Vinh Sơn giúp cho các hộ khó khăn với tiêu chí “ Ai dư đến giúp đỡ. Ai cần thì lấy. Ai đã có thì nhường cho người khác”. Kêu gọi các ân nhân xa gần ủng hộ vào quỹ bác ái, Ban Truyền thông giáo xứ đưa lên trang Facebook: “Giáo xứ Suối Nho”, thông tin công khai các khoản đóng góp mỗi cuối tuần, suốt hai tháng liền. Mỗi tuần giáo xứ nhận được hàng chục triệu đồng, cùng như nhiều tấn gạo do chính giáo dân trong xứ ủng hộ. Khi dịch bệnh chưa lan đến địa bàn, mỗi ngày, ông Chánh Khải cho biết, giáo xứ thuê 02 xe lớn chở nhu yếu phẩm, rau xanh, củ quả đi hỗ trợ các giáo xứ bị phong tỏa trong huyện, tỉnh Đồng Nai, có cả một số nơi thuộc TP. Hồ Chí Minh. Khi dịch tràn về, xã phải phong tỏa, mọi gia đình đếu nhận được lương thực, nhu yếu phẩm do chính các hộ gia đình trong xứ giúp nhau hay từ các giáo xứ bạn gửi đến. Một bầu khí thân thương.
Do số giáo dân đông nên hàng ngày có hai thánh lễ, sáng lúc 4 giờ 30, chiều 17 giờ. Lễ Chúa nhật cử hành 6 lễ gồm chiều thứ bảy lúc 17 giờ 30, Chúa nhật 5 thánh lễ: sáng hai lễ, chiều 3 lễ. Giáo xứ có các đoàn thề từ thiếu nhi đến các bậc cao tuổi. Các lớp Giáo lý dành cho thiếu nhi, thiếu niên, dự tòng,... đều được mở thường xuyên.
Về Gia Kiệm, Túc Trưng hôm nay hỏi thăm về Suối Nho bạn sẽ được hướng dẫn theo nhiều đường vào. Có thể đi từ giáo xứ Thanh Sơn - xã Quang Trung hay giáo xứ Kim Thượng - xã Gia Kiệm, theo đường tắt đều trải nhựa, qua giáo xứ Tín Nghĩa, hoặc theo quốc lộ 13, vừa qua chợ Phú Túc, rẽ phải theo đường DT.763 bạn sẽ gặp lần lượt các giáo xứ Na Goa, Suối Nho, Xuân Bắc, Chà Rang.
Xã Suối Nho hôm nay là xã đạt chuẩn Nông thôn mới đang vươn lên mạnh mẽ trong đó có sự chung tay góp sức của đồng bào Công giáo luôn “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”
Fx. Minh Đỗ