Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gặp mặt Đoàn đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình |
Tỉnh Hòa Bình có 74,43% dân số toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc thiểu số khác. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó Hòa Bình đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội trong vùng đồng bào dân tộc.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc đã đổi mới nội dung hoạt động, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên phát huy vai trò nòng cốt thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động. Vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm. Qua đó, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội. Mặt trận Tổ quốc cũng thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội. Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giám sát 3.660 cuộc và 618 cuộc phản biện xã hội với 630 văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đó chính quyền các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ giao cho các cơ quan liên quan thực hiện, đã giải quyết được 2.650 kiến nghị sau giám sát (đạt 94%).
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ về chuyên môn của Ủy ban Dân tộc và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh, công tác dân tộc tại Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống đồng bào từng bước cải thiện và nâng cao; cơ sở hạ tầng đáp ứng về cơ bản; trình độ sản xuất được nâng lên, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo. Diện mạo nông thôn miền núi ngày một đổi mới. Trong đó, đến năm 2019, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đặc thù thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.
Ngoài ra các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công được quan tâm thực hiện. Chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả…
Bà Đinh Thị Thảo- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tốc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành Dân tộc tỉnh Hòa Bình sẽ quan tâm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện; triển khai tốt công tác cải cách hành chính; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách dân tộc đến đồng bào DTTS&MN, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hai là, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch... của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc; bám sát nghị quyết, chương trình trọng tâm của Tỉnh uỷ và những nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện.
Ba là, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, nắm chắc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào khó khăn. Quan tâm đến kết quả thực chất của công tác giảm nghèo đến từng xã, thôn, bản; kết quả hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với các xã chưa hoàn thành.
Bốn là, tập trung tham mưu chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tốc thiểu số, trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025. Tham mưu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất để cải thiện điều kiện sinh kế và điều kiện sống cho đồng bào; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện ĐBKK, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn nhất để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc đảm bảo các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả… Thực hiện tốt phong trào thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; các điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh./.
Ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gặp mặt Đoàn đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình