Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại huyện Vân Đồn |
Dự kiến, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 300 vụ việc pháp lý ở 65 xã và 21 thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo theo tinh thần của Nghị quyết nói trên.
Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019 cho thấy, toàn tỉnh Quảng Ninh có 126.860 người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã, thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Trong đó, ước tính số lượng người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là 49.416 người, chỉ chiếm 39% số người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, còn 61% người dân tộc thiểu số không được hưởng chính sách trợ giúp pháp luật miễn phí.
Với Nghị quyết vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, đối tượng được trợ giúp sẽ mở rộng theo hướng tất cả đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh sẽ được trợ giúp lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại). Việc mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ giúp tỉnh phủ kín 61% đồng bào dân tộc thiểu số còn lại (không nằm trong đối tượng của Luật Trợ giúp pháp lý) được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Các hình thức trợ giúp pháp lý gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.
Khi cần trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:
a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.
b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
+ Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.
+ Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
+ Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có 56 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố ở 11/13 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh phối hợp thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp với người dân, như: Thông qua tập huấn, hỗ trợ pháp lý, sân khấu hóa, hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật; thông qua đội ngũ trưởng thôn, bản, người có uy tín...
Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các địa phương, Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện các bài viết, phóng sự, chuyên đề về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về chính sách trợ giúp pháp lý; họp mặt và nêu gương những người dân các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Từ 2017 đến tháng 10/2021, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức trên 750 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, diễn đàn với trên 40.000 lượt người; trên 600 lớp tập huấn chuyên môn, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật; gần 70 buổi tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ phục vụ trên 20.000 lượt người; thực hiện chiếu phim lưu động trên 250 buổi/năm, 150 buổi/năm về tuyên truyền lưu động; biên soạn hơn 80.000 tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực, trên 6.000 sổ tay giới thiệu các quy định pháp luật liên quan; cấp phát 350.000 tài liệu, tờ gấp, tờ rơi, đĩa DVD có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng là cán bộ, nhân dân vùng dân tộc và miền núi, các thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn.../.