Thực ra Đức Giêsu chưa hề bao giờ “làm Vua”, hay làm Chủ tịch hoặc Tống Thống, mà chỉ “làm người” như mọi người chúng ta, và tự xưng là “Con người”, không chỉ có thế, Người còn khẳng định rằng Người đến trần gian để làm tôi tớ, nghĩa là làm người phục vụ anh em: “Con người đến không phải đề được kẻ hầu người hạ, mà đề hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28). Rồi trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Người nói với các ông: “Thầy sống giữa anh em như mộtt người phục vụ.” (Lc 23,25), Và quả thật, ngay trong bữa ăn đó, Người đã quì xuống rửa chân cho từng ông một (x. Ga 13,1tt ). Bình thường, chỉ có đầy tớ hay người nô lệ mới rửa chân cho ông chủ, hay khách của ông chủ. Không đời nào có ông vua hay nhà lành đạo nào lại làm việc ấy. Vậy mà Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta tôn xưng làm Vua, đã làm như vậy. Vả lại, ngôn sứ Isaia khi nói về Đấng Thiên sai sắp tới, cũng gọi Người là “Tôi trung của Thiên Chúa”, trong những đoạn mà người ta gọi là “Bai ca người Tôi trung”. (x.Is 42,1: 49,3.5.6).
Những danh hiệu như là Kitô, là Vua, hay là Chúa, Đức Chúa, chẳng qua cũng chỉ là những tước hiệu người dùng để gọi Đức Giêsu, sau khi Ngưởi chịu khổ nạn và phục sinh. Nếu như chẳng có biến cố Khổ nạn và Phục sinh này, thì bất quá thiên hạ cũng chỉ gọi Người là “ông Giêsu” mà thôi. Nhưng nếu đứng trên quan điểm thần hoc mà nói, thì với tính cách là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, thì không có tên gọi hay danh hiệu nào xứng với Người, Thật vậy, những danh hiệu như “chúa”, là “vua”, thì Người có khác gì vua Lê, chúa Trịnh thời Trịnh-Nguyễn phân tranh? Thậm chí ngay cả khi gọi Người là “Đức Chúa”, là Dieu, là God , Yavê, hay Brahman, Ạtman, Ala vv., thì cũng chỉ là những tên gọi con người bày ra để gọi Đấng mà Lão Tử gọi là “Vô danh”, khi ông bảo: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”, nghĩa là Dạo mà còn gọi tên được thí không còn là Đạo. Phật giáo gọi Tuyệt đối là Asamskrta, cái không được làm ra, và người Công giáo chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính về Đức Kitô là Người “được sinh ra mà không phải được tạo thành” Nhà thần học và cũng là nhà huyền bí xứ Rê-nan bên Đức hồi thế kỷ XII, còn táo bạo hơn khi nói về Thiên Chúa, rằng: Người là Đấng Vô-hữu, Non-Esse !, có ý bảo rằng Người chẳng những vô danh, mà còn không thể coi như hiện hữu ngang hàng với tất cả mọi hiện hữu khác, đúng như người Ấn độ nói: akhata, không thể nói được!. Vì thế mà các đạo sĩ và thiền sư Ấn độ, Phật giáo chủ trương “Vô ngôn, vô tâm,vô niệm” đứng trước cái akhata ấy.