Những người đã qua đời như đi vào cõi huyền nhiệm, để lại bao nhung nhớ và cảm tình ngổn ngang trong lòng chúng ta. Cảm tình đó tìm được cơ hội bùng phát nhờ những câu kinh lời nguyện kèm theo những lễ nghi trong tháng các linh hồn này. Cầu nguyện cho các linh hồn là một cơ hội suy tư về tương lai chúng ta và tưởng nhớ những người đã ra đi cõi thinh lặng ngàn thu. Đây cũng là dịp tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại như một thực tại nơi Đức Giêsu và như một lời hứa cho chính vinh quang tương lai chúng ta nữa
Con người là một hữu thể gồm linh hồn và thân xác kết hợp trong thánh ý và quyền năng nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thật vậy, ý thức về tâm linh luôn thường trực trong tâm khảm của con người. Hầu hết các tôn giáo cũng đều hướng con người đến sự tin tường rằng chết chưa phải là hết. Đối diện với cái chết luôn là một nỗi âu lo, ám ảnh và đáng sợ đối với tâm thức con người. Quan niệm về cái chết và sự sống đời sau như thế nào đều ảnh hưởng đến cuộc sống và cách sống tại thế này.Con người sau khi chết được biến đổi và bước sang một thế giới khác để tiếp tục một cuộc sống khác.
Niềm tin về một sự sống lại trong đời sau là một xác tin sâu xa và lớn nhất của đạo Công giáo. Thân xác con người sau khi chết sẽ hư nát, nhưng linh hồn bất tử, thân xác ấy sẽ sống lại, làm một với linh hồn thần thiêng trong ngày Chúa Kitô vinh hiển trở lại. Khi đó, mọi người sẽ đến trình diện trước Tòa Chúa Kitô để trả lẽ về quãng đời mình đã sống trên trần gian này. Sự chết không phải là một dấu chấm hết cho con người, nhưng là một sự biến đổi, một khởi đầu mới cho cuộc sống đời sau. Lời tuyên xưng đức tin của mỗi người tín hữu Công giáo về sự sống lại và sống đời đời sẽ còn vang vọng mãi: “Tôi tin kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Nhờ được liên kết với Thiên Chúa hằng sống, con người sẽ được tham dự vào đời sống thần linh. Trong cuộc sống đời sau, con người đã trở nên thực sự được giải thoát khỏi nô lệ cho tội lỗi và sự chết, đồng thời thoát khỏi mọi giới hạn của thế giới này để trở nên bất tử, nên con cái tự do của Thiên Chúa.
Chính Đức Giêsu là người đầu tiên trong nhân loại đã từ cõi chết sống lại, thân xác Người biến đổi hoàn toàn. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Dĩ nhiên, ai cũng được sống lại vào ngày sau hết. Nhưng khi sống lại, số phận chúng ta sẽ ra sao. Sống lại để hưởng vinh quang với Thiên Chúa, hay để chịu ô nhục. Tùy thái độ chọn lựa của mỗi người tín hữu hôm nay khi còn sống. Thánh Phaolô khuyên dạy các tín hữu hãy trung thành với giáo huấn đã lãnh nhận, kiên tâm giữ vững niềm tin, luôn cậy dựa vào sự quan phòng che chở của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô.
Hội Thánh là một sự diễn tả “Mầu nhiệm các thánh thông công”. Sách Giáo lý Công giáo nói đó là sự hiệp thông của những ai nhờ ân sủng được kết hợp với Đức Kitô chịu chết và sống lại: Có những người đã được hiển vinh đang ngày đêm chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta, những người đang sống, những người lữ hành đang trên đường tiến bước về Quê Hương đích thực. Còn có những người đã hoàn tất cuộc đời này, nhưng đang chịu cảnh thanh luyện, chờ ngày hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm hiệp thong trong Giáo hội, người tín hữu luôn được mời gọi cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, để các ngài sớm được giải thoát khỏi tình trạng thanh luyện mà hưởng hạnh phúc Nước Trời, đồng thời cũng là dịp để xin các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho ta.
Cầu nguyện cho các linh hồn là nghĩ đến cái chết. Nếu chết là bắt đầu một cuộc đời mới. Thì cuộc sống thật là kỳ diệu. Không kỳ diệu sao được khi từ hư không, ta được gieo vào thế giới này. Không kỳ diệu sao được khi mà dù chẳng mời thần chết vẫn từng bước đến trước hiên nhà ta. Từ lúc sinh ra thì cũng là lúc ta bắt đầu tiến về ngưỡng cửa của sự chết. Thế thì ta nên có thái độ nào thế? Chạy trốn hốt hoảng hay bình tâm phó thác.
Đối với con người, sinh ra là sự khởi đầu, sống là một cuộc lữ hành. Cuộc lữ hành trên trần thế làm cho chúng ta đi từ trạng thái này đến trạng thái khác. Từ non nớt đến trưởng thành, từ dại khờ đến sự hiểu biết, từ yếu đuối đến mạnh sức, từ sự cô đơn đến tình yêu nồng ấm, từ vui mừng đến lòng biết ơn, từ khổ đau đến sự cảm thương và từ sợ hãi đến niềm tin. Nhưng với mỗi người tín hữu, hành trình cuộc đời trở nên hành trình của niềm tin yêu và hy vọng. Thật vậy, việc Chúa Kitô sống lại là niềm xác tín và là hy vọng của chúng ta.
Giữa những khó khăn của cuộc sống, lời thánh vịnh 150 đã nói lên những lời an ủi cậy tin vào lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa, hằng săn sóc những nhu cầu của chúng ta: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” Cho nên tiên tri Isaia đã mô tả sự chết như chiếc khăn tang, như chiếc lưới vĩ đại chụp xuống muôn dân : “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn chùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”. (25,7). Như vậy cũng các bài đọc khác của ngày lễ hôm nay, nhà tiên tri kêu gọi chúng ta hy vọng một cách cụ thể vào quyền phép Thiên Chúa, bởi : “Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”, đó là niềm hy vọng xác tín và chắc chắn.
Là những người con cái Thiên Chúa, đã được tái sinh bởi Nước và Chúa Thánh Thần, được dự phần vào chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa. Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên con người có hồn có xác giống hình ảnh của Chúa. Thiên Chúa ban cho con người có tình yêu liên đới để con người được sống trong tình yêu và chết trong tình yêu. Chúa Kitô chịu chết để đem lại sự sống cho con người, khơi đường mở lối dẫn con người bước vào sự sống mới, trong ân sủng và tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11,25).
Đối diện với sự chết chúng ta không còn phải qúa sợ hãi bởi đó chính là cửa dẫn đưa chúng ta vào sự sống đời đời. Chính Chúa Giêsu đã hứa: Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2). Tin lời Chúa hứa, chúng ta vững bước trong mọi hoàn cảnh dù sống dù chết. Khi cuộc sống trần gian này khép lại, chúng ta sẽ được bước vào một cuộc sống mới, chúng ta sẽ được diện kiến với chính là Đấng mà chúng ta tôn thờ khi Người dang rộng vòng tay đón người con trở về nhà của mình : Tôi tin rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế, tôi sẽ được vui Đấng sống lại, và trong thân thể này, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng cứu chuộc tôi.
Tháng các linh hồn không chỉ là dịp để chúng ta suy gẫm về sự chết và niềm hy vọng, cũng như tâm tình cầu nguyện cho các linh hồn, mà đây cũng là thời gian giúp chúng ta suy nghĩ về chính cuộc đời của mình. Cầu nguyện cho các linh hồn là chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta. Chúng ta không biết chính xác ngày giờ Chúa đến và gọi chúng ta về với Ngài. Mỗi người luôn được mời gọi hãy chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng. Ngày đó chắc chắn sẽ đến và sẽ là ngày vui mừng sum họp. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn hy vọng duy nhất của cuộc lữ hành trần thế này. Mỗi người sẽ vui mừn gặp nhau lại trong Nước của Chúa, nơi đó sẽ không còn khóc lóc, than van, sợ hãi, đau khổ và chia ly bởi Nước Chúa là nơi sum họp trong an vui hạnh phúc viên mãn muôn đời.
Lạy Chúa xin thương đón nhận linh hồn những người đã an nghỉ trong Chúa vào hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen