Cuộc hành trình nào cũng có điểm đến. Sông chảy ra biển, thuyền về đến bến, và trong cuộc sống con người không gì chắc chắn bằng cái chết, và chết là một sự tất yếu của con người. Tuy nhiên bản năng muốn sống của chúng ta mãnh liệt đến độ cho dẫu chứng kiến bao nhiêu cái chết của đồng loại, chúng ta vẫn cứ sống như thể cái chết sẽ không bao giờ đến với mình, cùng lắm là chỉ thốt lên : “Ai cũng phải chết một lần”. Nhưng cũng vì chắc chắn ai cũng phải chết một lần cho nên chúng ta cần ngồi lại, dành những giờ phút thinh lặng để suy niệm hay cảm nghiệm một cách nghiêm túc về sự chết. Không thể chối bỏ được khát vọng hạnh phúc đang nung nấu trong trái tim con người, một trái tim luôn tìm kiếm, kêu van, luôn thét gào, luôn đòi hỏi, ngóng trông được lấp đầy, được thỏa mãn, được yên hàn, như thuyền tìm về bến đậu! Nhưng cũng không thể chạy trốn được nước mắt của khổ sầu đang bám sát thân phận làm người trong cuộc đời! Làm sao dung hòa được một đàng là khuynh hướng cố hữu, một đàng là thực tế phũ phàng của cuộc nhân sinh? Tin Mừng dĩ nhiên làm cho con người phấn khởi, vậy, đâu là Tin Mừng của Đức Giêsu khi con người đứng trước biến cố quyết liệt và tột cùng đau thương là cái chết ?
Qua cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu loan bao cho con người một Tin Mừng lớn lao, đó là: cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận cùng, mà là một cửa ngõ dẫn vào một đời sống mới. Tất cả kho tàng Kitô giáo được xây dựng trên niềm tin ấy. Thật thế, như thánh Phaolô đã mạnh mẽ xác quyết: nếu Đức Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta là một sự hão huyền. Cái chết qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là một trong những kết thúc vô nghĩa và độc ác nhất mà con người gây ra cho nhau, nhưng sự sống lại của Ngài là một chiến thắng vinh hiển trên sự chết. Ngài đã nói với các môn đệ rằng: Họ cũng sẽ được dự phần vào vinh quang của Ngài, rằng cuộc hành trình của họ cũng sẽ vượt qua bên kia ranh giới của sự chết. Ngài nói với họ: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ phải chết”. Cuộc sống con người là một cuộc hành trình liên lỉ tiến về vĩnh cửu. Vì thật ra, ơn gọi cuối cùng của con người duy nhất đó là Thiên Chúa. Những giọt nước mắt, những sầu muôn của cuộc sống hiện tại là cần thiết, và như điều kiện tất yếu để con người có thể đạt đến chân hạnh phúc. Vậy chấp nhận nước mắt cũng là thái độ đương nhiên để cảm nghiện được niềm hạnh phúc vô biên của ngày mai nơi quê hương vĩnh hằng!
Cuộc sống bên kia cái chết xem ra là một bí ẩn và không hiện thực, nhưng Đức Giêsu đã khẳng định với các môn đệ của Ngài: “Các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy, trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Thánh Phaolô khẳng định Thiên Chúa dãnh sẵn cho chúng ta một ngôi nhà, ngôi nhà ấy không phải do tay người phàm làm nên, nhưng là ngôi nhà trường cửu. Sống có nhà, thác có mồ, đó là ước mơ chung của nhiều người. Ngôi mộ là biểu trưng cho sự an nghỉ. Ngay cả bên kia sự chết, theo lẽ thường, ai cũng mong ướng được yên giấc ngàn thu. Kitô giáo cũng nói đến một ngôi nhà ở bên kia cõi chết, nhưng chắc chắn đó không là ngôi nhà đơn thuần chỉ có mái và tường vách, một ngôi nhà như thế thì quả là hoang sơ.
Một ngôi nhà đích thực phải là một nơi có người ở, sẽ trở thành một tổ ấm, một nơi an toàn và đầy hạnh phúc, ở đó con người có thể thư giãn, gặp lại chính mình và gặp gỡ mọi người trong tương quan mật thiết với nhau. Đôi khi chúng ta phải sống xa nhà giữa những người xa lạ, nhưng tính hiếu khách, lòng tử tế của người xa lại cũng có thể biến nơi xa lạ ấy trở thành ngôi nhà ấm cúng của chúng ta. Dù vậy, ở sâu tận tâm hồn, chúng ta vẫn cảm thấy nhớ nhung đối với ngôi nhà quê hương của chúng ta. Ðại thi hào Lamartine từng nói: "Con người là một thiên thần sa đọa hằng hướng vọng về trời cao". Thật vậy, con người không thể sống mà không có khát vọng và ước mơ, một trong những khát vọng thẳm sâu nhất của cõi lòng là khát vọng tìm về với Thiên Chúa siêu việt. Bao lâu con người chưa gặp gỡ Chúa, chưa nhập vào trong Tuyệt Ðối vô biên, bấy lâu con người vẫn còn khắc khoải kiếm tìm hoài. Thánh Augustinô đã phải thốt lên: "Lạy Chúa,Chúa dựng nên con vì Chúa, nên hồn con vẫn hằng thao thức cho đến khi nào được nghỉ an bên Chúa"(Tự thuật).
Một nơi bên kia cõi chết mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta, chính đó là ngôi nhà đích thật của chúng ta. Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin mừng của Ngài, đó là: “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”. Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Trên cõi trần gian, chúng ta chẳng khác nào những lữ khách hằng mong về đến nơi quê hương của mình. Cuộc đời ta không chỉ là hôm nay và bây giờ thôi, còn có một cái gì nữa đang đến, sẽ đến, đang và sẽ chờ đợi chúng ta. Có một lời nào đó đang vang vọng trong sâu thẳm lòng của mỗi người rằng: đừng bỏ cuộc, đừng ngường bước tìm kiếm, đừng thôi bước hành trình, những hạnh phúc, những vui thú trần gian sẽ chóng qua, sẽ tàn lụi, đừng đặt hết trái tim và ý chí vào đó, hãy tiếp tục hành trình, những cảm nghiệm hạnh phúc trần gian chỉ là những bông hoa dại, những quán trọ phù sinh bên đường! Biết phân biệt, chân nhận được sự khác biệt giữa quê hương và chốn lưu đày, mái ấm gia đình và quán trọ, mới là thái độ sáng suốt của người lữ khách! Trên cõi trần gian, hợp tan là chuyện thường tình, nước mắt là cơm bữa của con người. Nhưng trong ngôi nhà vĩnh cửu sau cõi chết, mọi sự sẽ được đổi khác: Sẽ không còn than khóc, không còn than van vì thế giới cũ đã qua đi, và đó là trời mới, đất mới. Một ngôi nhà vĩnh cửu sau cõi chết hẳn sẽ không là một chốn xa lạ với chúng ta, bởi vì nơi đó ta sẽ gặp lại những người thân thương của mình.
Mọi người phải chuẩn bị cho chuyến đi sau cùng của đời mình vì đã đi thì không bao giờ trở lại nữa. Người Trung hoa có một câu thành ngữ rất hay làm phương châm sống cho những người quyền thế. Những người quí tộc Trung hoa thường viết câu châm ngôn này trên các bức hoành phi: “Tư hoạn dự phòng”, có nghĩa là hãy suy nghĩ về những tai họa có thể xẩy ra để đề phòng.
Người Việt Nam từ xưa đến nay vốn hiểu rất rõ điều đó và bài học đạo đức đó mỗi người chúng ta đều được học từ những ngày chập chững biết đi, biết nói. Còn người Công giáo thì sao? Chúng ta còn ý thức sâu sắc hơn về điều đó bởi chúng ta biết rằng, con người không chỉ có cuộc sống chóng qua đời này mà điểm đến của con người chính là thế giới mai sau. “Hoạn” đó chính là hỏa ngục, nơi mà mọi linh hồn phải khóc lóc nghiến răng. Còn “hoạn” đối với Phật giáo đó chính là chết đi mà phải chịu cảnh trầm luân, mãi mãi không được đầu thai trở lại. Chính cái “hoạn” mai sau đó đã nhắc nhở mọi người Kitô hữu chúng ta cũng như các tín đồ của các tôn giáo khác phải biết sống lương thiện và hướng thiện, sống là phải biết yêu thương để được lãnh nhận.
Cái nhìn trên đây của Kitô giáo về sự chết đã nâng đỡ bao tín hữu từ hơn 2000 năm qua, và có biết bao người hiên ngang tuyên xưng niềm tin mà không sợ chết, có biết bao người đã chấp nhận cuộc sống với những gian khổ thử thách mà vẫn rạng ngời niềm hy vọng. Thánh Têrêsa Hài đồng đã nói: “Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn cũng đừng đau buồn, đó là Cha chúng ta, là Thiên Chúa đến đón tôi đi, đơn giản thế thôi. Tất cả là hồng ân!”. Tư tưởng này Thánh Phaolô đã tuyên xưng từ trước: Đức Giêsu Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù sống hay chết, vì đối với tôi, sống chính là Chúa Kitô, và chết là một mối lợi”.
Đời là một cuộc hành trình, mà cuộc hành trình nào cũng phải chấm dứt, nhưng cuộc hành trình nào cũng phải có đích điểm. Người ta chỉ kết thúc cuộc hành trình khi đã đến đích điểm là Quê Trời. Vì thế, đích điểm của niềm cậy trông vĩnh hằng của chúng ta, hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu mà chúng ta đang tiến về, quê hương Nước Trời mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng , không bao giờ là một cõi vu vơ, hão huyền.
Trong hành trình dương thế tiến về quê trời, thái độ của con người là phải nhập cuộc, là mở rộng vòng tay ôm trọn cuộc đời như một thử thách, như một chiến đấu, một chạy đua có nghĩa lý, có mục đích! Bởi vì số kiếp của con người ngày mai ra sao là tuỳ thuộc vào thái độ tích cực phấn đấu của con người trong hiện tại. Như Đức Giêsu đã đi vào đời bằng cách sinh ra trong gia đình nhân loại nghèo khó khốn khổ, Ngài đã hành trình thực thi sứ mệnh cứu thế bằng cuộc tử nạn, sau cùng Ngài đã sống lại khải hoàn về trời vinh quang, thì con người chúng ta cũng bắt chước Chúa, sinh vào cuộc đời, chấp nhận thân phận làm người, với những nỗi vui buồn sướg khổ, những thành công thất bại, cuối cùng ta cũng chịu đóng đinh con người cũ, con ngườ thế tục của mình vào thập gía, chịu mai táng trong phận mộ, chết đi cho thế gian, cho xác thịt cho tội lụy đọa đày, để rồi sống lại với Chúa Kitô về quê trời trong quang vinh của Thiên Chúa!