Văn hóa nghệ thuật

Rộn ràng Vĩ Kẽm

Cập nhật lúc 11:17 06/04/2023
Trong nắng một ngày đầu xuân ấm áp, những ngôi nhà yên ả nằm rải theo hai bên khe núi Nậm Chỏn, tạo nên bức tranh nông thôn mới giữa núi rừng. Đó là nơi quần cư của người Dao tuyển Vĩ Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. 
Một góc bản Vĩ Kẽm
Một góc bản Vĩ Kẽm
Những cư dân và địa danh Vĩ Kẽm này, trước đây nằm trong hẻm núi ở trung tâm xã Cốc Mỳ hiện nay, mà tiếng quan hỏa gọi hẻm núi là Vĩ Kẽm nên bản Dao tuyển có tên gọi này. Từ ngày về lập bản, người Dao tuyển mang theo lời dạy của tổ tiên trong bài Hát răn lao động: “Dàng thây ai chủn chu quẹ gdâu. Chảy cai pằn xằng nhóng quẹ gồ. Ui tạng ui chảy tủ tău an…” Nghĩa là: “Gà gáy mình phải dậy rồi. Cho gà, cho lợn ăn đã muộn. Khi đến giờ thìn phải lên nương…” Vì muốn đoạn tuyệt với đói nghèo sinh ra từ cuộc sống du canh du cư nên người người hợp sức phá dải thung lũng trước bản thành cánh đồng cấy lúa nước. Cũng từ ngày về lập bản, vì phải chống chọi với thú dữ và cả bọn giặc cướp nên những ngôi nhà phải dựng gần như liền sát với nhau, nên nhà đầu bản thường nghe rõ tiếng khóc của đứa trẻ ở nhà cuối bản. Nhà ở liền nhau nên từ vạt rau cải, đến khóm tre mai… đều phải trồng ngoài bản hay trên nương. 
Hơn 40 năm trước, do nhu cầu rải đều dân cư trong toàn xã nên giẳng người Dao tuyển này di dời lên phía sau hai dãy núi. Cùng nhà cửa gia tài, người Dao tuyển cũng mang theo tên Vĩ Kẽm đặt cho giẳng mới.
Ngày chuyển bản lên đây rất vất vả, chỗ nào cũng dốc nên phải lựa chọn mãi mới cắm được nơi san nền nhà cho mấy chục gia đình. Dựng xong nhà, có người nhìn lên ta luy sau nhà rùng mình vì cao gấp ba bốn nóc nhà nên đòi về bản cũ. Hai sườn núi đều rất dốc nên nhà ở phải rải ra gần cây số nhưng bù lại là đất đai rộng rãi nên xung quanh nhà nào cũng có vườn rau, cây ăn quả và đào được ao thả cá!” Đường nhiều dốc quá nên ai có xe đạp cũng đành phải bán đi, thêm tiền vào mua ngựa thồ hay đi lại. Ruộng lúa vẫn ở cánh đồng dưới bản cũ nên nhà nào cũng phải làm lều dưới đó để ăn ngủ khi làm mùa vụ. Dạo ấy mỗi hạt thóc hợp tác phải gánh thêm hàng chục công việc khác, không dính dáng gì đến cày, bừa, cấy, gặt… nên mồ hôi mỗi ngày công lao động cật lực nặng hơn cân thóc. Có người định phá rừng làm nương nhưng sợ bị phạt, muốn san ruộng bậc thang cấy lúa nhưng sợ bị công hữu vào hợp tác. Trước kia đi mấy bước chân xuống cửa hàng ở đầu bản là có cân muối, có chai dầu. Nay phải đi năm sáu cây số vượt hai dãy núi, qua hai con suối. Nếu gặp ngày nước lũ đành chép miệng quay về, tối đến đốt đuốc thay đèn ăn cơm nhạt, không dám vay của nhà khác vì cùng cái cảnh phải dè sẻn từng nhạt muối, giọt dầu. 
Mọi gian khó tưởng chừng đẩy người Vĩ Kẽm rơi vào vòng quay đói nghèo hay theo lối mòn du canh du cư của cha ông. Nhưng chi bộ Vĩ Kẽm đã lãnh đạo nhân dân trong giẳng vùi lấp gian khổ để bước vào công cuộc đổi mới. Những giống lúa nhị ưu, tam ưu và hàng chục giống lúa mới thay nhau trổ tài đẩy năng suất mỗi năm một tăng cao để chiêm nối mùa thóc chất đầy trên gác. Đến năm 2022 chỉ có hơn 12 héc ta ruộng hai vụ nhưng chở về 155 tấn thóc, tính ra mỗi người có hơn 500 kg. Không chê đất cằn, chẳng nề hà khô hạn, những giống ngô có tên bằng các con số phủ hạt mẩy kín đầy bắp. Năm ngoái có chừng 5 héc ta ngô đã trả cho 21, 5 tấn hạt. Từ ngày thóc dư ngô thừa, củ sắn cũng chẳng phải thay bát cơm địu người qua những ngày đói kém, cũng chẳng phải nuôi lợn gà nên mỗi năm chừng 15 héc ta sắn chất lên ô tô gần 200 tấn củ và trả công cho người Vĩ Kẽm khoảng 210 triệu đồng. 
Hơn chục năm nay cây chuối trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hẻm núi chuyển mình. Cây chuối cũ trồng xuống là xong, chỉ chờ ngày hạ buồng nhưng trồng hàng nghìn cây trên đồi hầu như ngày nào cũng phải ngó ngàng tới vì sợ sâu bệnh, hay cây thiếu nước. Khi chuối trổ buồng đã phải khéo léo lấy lá khô chèn cho quả không bó sát vào nhau để trông cho đẹp mắt. Công việc vất vả nhưng bù lại, khi bán một lúc hàng trăm buồng, thu về một khoản tiền không nhỏ. Đến nay hơn 65 héc ta chuối, mỗi năm chất lên xe tải hơn 200 tấn và trả về cho Vĩ Kẽm hơn 1,3 tỷ đồng. 

Cuộc sống đang đổi thay từng ngày, đem đến những hy vọng về cuộc sống mới trên miền đất ấm no.
Vài chục năm nay dự án khai thác mỏ đồng mở rộng đến vùng Vĩ Kẽm, phải thu hồi đất canh tác hoặc đất ở của nhiều gia đình. Không ít người đêm không ngủ, ngày không ăn bởi “Tỉn năng dăm thẻng nàm nhìn thây”. Có nghĩa là một hạt thóc bằng trăm lượng vàng nhưng bây giờ ruộng nương biến thành đồng tiền mà con người phải sống nhờ đất và chết cũng nhờ đất. Và rồi lời ru buồn của cuộc sống du canh du cư thưở cha ông xưa vọng về đã nhắc người Vĩ Kẽm có an cư mới lạc nghiệp. Vì thế ô tô bấm còi pin pin leo dốc chở gạch ngói xi măng sắt lên Vĩ Kẽm. Những ngôi nhà xây kiên cố với nhiều kiểu dáng khác nhau làm nên phố nhỏ giữa rừng. Có nhà xây mỗi khi bão lốc ập về dẫu đêm khuya cũng vẫn yên giấc trong chăn ấm. Bản chất cần cù của người vùng cao nên từ năm 2016 đến nay Vĩ Kẽm vẫn giữ vững danh hiệu nông thôn mới. Là thân mềm nhưng hiện nay chuối trở thành cây chủ lực cùng với thóc, ngô, gia súc gia cầm giúp người Vĩ Kẽm có tiền mua sắm các công cụ sản xuất và đồ dùng tiên tiến. 
Anh Lý Văn Nện, trưởng thôn Vĩ Kẽm tâm sự: Người Vĩ Kẽm chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt danh hiệu nông thôn mới nâng cao. Trong nắng chiều vàng, trên sân nhà văn hóa rộn rã tiếng cười nói của cả hai đội bóng nam và nữ đang luyện tập cho kỳ hội thao toàn xã.
Bài, ảnh: Nguyễn Xuân Mẫn
Thông tin khác:
Thơ Nguyễn Thị Hồng - Một vẻ đẹp sâu sắc và bình dị (28/03/2023)
Nhà thơ Quang Dũng và những dấu ấn (24/03/2023)
Bí tích của lòng thương xót (24/03/2023)
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường (24/02/2023)
Mùa Chay và giữ Chay (20/02/2023)
Cây cầu hơn 100 năm tuổi bắc qua sông Danube thơ mộng (10/02/2023)
Công viên rừng (06/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log