Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong buổi ra mắt sách Thơ tuyển Nguyễn Thị Hồng |
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1948 tại Thái Bình, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 11); là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Suốt cuộc đời, Nguyễn Thị Hồng gắn bó với nghề biên tập sách từ khi ra trường (1970) đến khi về hưu. Nhiều năm, chị giữ cương vị phụ trách phòng biên tập Văn học của Nhà xuất bản Phụ nữ - nơi cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có uy tín của một thời.
Tập thơ "Nguyễn Thị Hồng - Thơ tuyển" |
THƠ TUYỂN NGUYỄN THỊ HỒNG vừa ra mắt bạn đọc tháng 12-2022 là tập thơ thứ 6 của Nguyễn Thị Hồng, tổng hợp cả 5 tác phẩm đã xuất bản trước đó: Em ra đi (thơ, 1990); Gọi thu (thơ, 1992); Biển đêm (thơ, 1996); Những bông hoa thiên sứ (thơ, 2001) và Cuộc bàn giao vĩnh cửu – Hồn khèn (thơ và trường ca, 2003).
Các tác phẩm của Nguyễn Thị Hồng đã giành các giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội (cho bài thơ Bình dị); Giải thưởng Văn học Thăng Long 5 năm (cho tập thơ Em ra đi); Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (cho tập thơ và trường ca Cuộc bàn giao vĩnh cửu - Hồn khèn)
Tập Thơ tuyển Nguyễn Thị Hồng vừa xuất bản tổng hợp từ 5 tập thơ của nhà thơ đã xuất bản trước đó, gồm 100 bài thơ chọn, 1 bài thơ dài và 1 trường ca, giới thiệu với bạn đọc quá trình sáng tạo bền bỉ của một cây bút nữ lặng lẽ và sâu sắc có giọng thơ khá riêng biệt. Thơ Nguyễn Thị Hồng đã từng nhận 3 giải thưởng nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng việc thơ chị để lại những ấn tượng về một vẻ đẹp sâu sắc mà vẫn hồn nhiên, chân thành mà nồng nàn, kiêu hãnh mà vẫn thô mộc, bình dị...
Trong dòng chảy của thơ hiện đại giữa những ngổn ngang của những quan niệm khác nhau về sáng tạo, đổi mới và giá trị đích thực của thi ca, thơ Nguyễn Thị Hồng như một lời tuyên ngôn lặng lẽ đi tìm vẻ đẹp đích thực của thi ca. Ở đó, tâm hồn con người hướng về những vẻ đẹp đích thực của thiên nhiên, của con người, của những mỹ cảm dẫn dắt con người tìm về những vẻ đẹp vĩnh cửu.
Nhà thơ Vũ Quần Phương thật tinh khi nhận xét về thơ Nguyễn Thị Hồng:
“Có thể coi thơ chị như một điển hình của thơ hướng nội... Chị đã đánh dấu tâm hồn mình vào không gian thơ của chị” (“Về một cách tìm thơ” - Vũ Quần Phương).
“Ơ cái hồn
Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài
Làm sao sống được khi mình lẻ loi
Dưới ba tấc đất, hồn mình đơn côi
Trên ba tấc đất, hồn ta đơn côi” (Lời tượng nhà mồ)
Và:
“Em nguyên sơ như đất
Em nguyên sơ như cây
Em nguyên sơ như nắng
Như gió cao nguyên này” (Bình dị)
“Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Ngày em còn nhỏ gót trần lang thang
....
Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Em như cô tấm trong tình anh mang (Gọi thu)
Nguyễn Thị Hồng xuất hiện với những câu thơ như thế, những bài thơ như thế và chị gây ấn tượng mạnh về sự xuất hiện của giọng thơ lãng mạn, trong sáng tinh khôi, ẩn giấu một mỹ cảm sâu sắc về thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta gặp lại những ấn tượng ấy khi đọc tập thơ tuyển này.
Nếu nói đến nét xuất sắc nhất của thơ Nguyễn Thị Hồng, tôi cho rằng phần thơ viết về thiên nhiên, tâm hồn đẫm trong vẻ đẹp bất biến của thiên nhiên là nét đặc sắc của thơ chị. Với chị, thiên nhiên không chỉ là những vẻ đẹp bất biến, là kỷ niệm quê hương xứ sở, là khát vọng khôn cùng tìm về bình yên, mà thiên nhiên là người bạn, là sự sẻ chia, là quá khứ và cả tương lai, là vẻ đẹp để cả đời thi nhân đi tìm và tụng ca không bao giờ là đủ...
Trong bài thơ Tâm hồn khá nổi tiếng của chị, chị viết:
“Tâm hồn như cây cỏ/ Phải cắm vào đất sâu/ Những mạch nguồn sự sống/ Dâng lá xanh sắc màu.../ Tâm hồn như nắng gió/ Phải tung hoành không gian/ Giữa không cùng ngang dọc/ Vẫy vùng cùng dọc ngang...” Với tâm hồn đẫm ướt tình yêu thiên nhiên này, chị đã viết một thi phẩm đặc sắc nhất về mùa thu và bài thơ được phổ nhạc đã làm nên tên tuổi chị trong nhạc, trong thơ:
“Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Ngày em còn nhỏ gót trần lang thang
Bầu trời thì xanh, chuồn chuồn thì đỏ
Lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng...” (Gọi thu)
Thơ chị viết rất nhiều về mùa thu. Chị tìm thấy ở mùa thu tiếng gọi của đấng siêu nhiên bất diệt và mùa thu ấy, thiên nhiên ấy ban tặng cho chị và cho con người một tình yêu thuần khiết, một tình yêu có sức mạnh nâng đỡ tâm hồn con người. Trong danh sách hơn 100 bài thơ của chị ở tuyển tập này, bạn đọc thấy rất nhiều bài thơ chị viết từ thiên nhiên và viết tặng thiên nhiên, đồng quê: Làng, Gọi thu, Thu cảm, Lá cỏ, Tiếng cuốc, Ngày muà, Hoa hồng dạo trước, Mùa xanh vĩnh hằng, Ngày xưa ơi ngày xưa, Biển đêm, Chào biển, Sẽ không còn biển nữa, Gửi mùa xuân Việt Bắc, Tâm sự với vầng trăng, Gửi một vì sao..v.v...
Chúng ta đã từng yêu quý một số nhà thơ các lớp trước viết thật hay về đồng quê và thiên nhiên xứ Việt như: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân..., chúng ta sẽ yêu thêm thơ Nguyễn Thị Hồng. Nét đặc sắc của thơ chị khi viết về thiên nhiên là chị không chỉ miêu tả thiên nhiên và đồng quê, mà thiên nhiên và đồng quê ấy trở thành bè bạn, người thân và đặc biệt là mang những giá trị mỹ cảm để đồng hành cùng con người, nâng đỡ con người vượt qua mọi sự tàn phai, sự phá hoại của cái xấu, cái ác...
Thật lạ lùng khi chị ví cái ao làng là “vòi nước bất tận giúp ta rửa sạch bùn đất bàn chân tuổi thơ”, cũng là “bình rượu tuổi thanh xuân”, “là bình lọc bụi thời gian tuổi già” và đó là di sản vĩnh cửu cho những “cuộc bàn giao vĩnh cửu” từ thế hệ này đến thế hệ khác của xứ sở Việt.
Lần đầu tiên viết trường ca nhưng trường ca “Hồn khèn” của Nguyễn Thị Hồng (in trong phần cuối của tập thơ này) khá tiêu biểu cho phong cách và mỹ cảm thơ của chị. Trường ca kể một câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người H’Mông. Họ vô cùng yêu nhau mà chẳng lấy được nhau, nhưng tình yêu còn mãi:
“Tình ta ngọt như quả ngõa mật/ Tình ta ngọt như đõ ong mật/ Ngõa mật chín trên cây ngõa/ Mật ong ngọt trong đõ ong/ Tình hai ta ngọt khắp người em/ Tình hai ta ngọt khắp người anh/ Ước em như sợi lanh/ Anh đâu em đấy...”. Với tập thơ tuyển này, nhà thơ nữ Nguyễn Thị Hồng khẳng định những đóng góp đáng ghi nhận của chị trong dòng thơ lặng lẽ mà lan tỏa những giá trị đích thực của thi ca đương đại.