Giáo xứ có gần 10.000 giáo dân, hầu hết sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, một số ít làm nghề kinh doanh và thương mại, dịch vụ. Những năm trước đây, đời sống kinh tế, văn hoá của bà con giáo dân trong Giáo xứ còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đường giao thông chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn, mạng lưới điện chắp vá, quá tải, không đủ phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; vệ sinh môi trường có lúc, có nơi còn bị ô nhiễm, chưa tổ chức thu gom rác thải hàng ngày; tình hình an ninh, trật tự trị an cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là tình hình tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với nhau làm mất đoàn kết trong cộng đồng; tình hình phao tin đồn nhảm, mê tín dị đoan; các tệ nạn xã hội như đá gà, cờ bạc, đánh nhau, trộm cắp, xì ke, ma tuý... vẫn còn xảy ra khá phổ biến, có những thời điểm tụ tập đông người, gây hoang mang trong quần chúng giáo dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội....
Trăn trở trước những tệ nạn và yếu kém trên, với vai trò là vị Linh mục Chánh xứ Giáo xứ Kim Thượng, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, cùng với tập thể Ban Hành giáo đã bàn bạc, lên kế hoạch giúp giáo dân “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Ban Hành giáo đã phân công từng người thường xuyên đến từng gia đình thăm hỏi, động viên và kêu gọi bà con giáo dân chăm chỉ lao động sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình để xoá đói, giảm nghèo và xây dựng khu dân cư có đời sống văn hoá, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Nai triển khai theo tinh thần Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/02/2009 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, bằng tình cảm chân thành, uy tín, trách nhiệm của mình trước quần chúng giáo dân, với phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, chỉ trong thời gian ngắn, Linh mục Lê Vinh Hiến cùng với tập thể Ban Hành giáo đã làm chuyển biến nhận thức của đa số bà con giáo dân. Kể từ đó, bà con giáo dân đã tự nguyện, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc... Qua thực hiện những phong trào này, đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân trong Giáo xứ, tạo diện mạo mới trong khu dân cư xứ đạo ngày càng khang trang và phát triển một cách bền vững.
Sau 2 năm hưởng ứng Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, địa phương đã đánh giá những cách làm và kết quả tiêu biểu của Linh mục Lê Vinh Hiến và tập thể Ban Hành giáo:
Vận động giáo dân “Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”:
Vận động bà con giáo dân đóng góp giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, neo đơn. Hằng năm, Giáo xứ tổ chức các đợt tặng quà vào các dịp Tết, lễ với số tiền trên 60 triệu đồng. Đồng thời, đóng góp ủng hộ nạn nhân lũ lụt, thiên tai trên cả nước do Uỷ ban TWMTTQVN phát động; thường xuyên tổ chức khám bệnh tại Giáo xứ cho con em các gia đình nghèo, người cao tuổi, người tàn tật… Qua khám bệnh, nếu phát hiện bệnh nhân nặng, Giáo xứ tổ chức đưa lên tuyến trên điều trị miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra, vận động xây nhà tình thương cho các hộ gia đình nghèo khó khăn về nhà ở, kết quả trong 2 năm 2009 – 2010 đã xây tặng 2 căn nhà tình thương cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở. Mỗi căn trị giá trên 15 triệu đồng.
Bà con giáo dân đã tự nguyện đóng góp nguồn kinh phí trên 2 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp 95% các tuyến đường giao thông nội thôn bằng bê tông xi măng và nhựa nóng, xây dựng đường điện hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Hình thành các đường điện thắp sáng công cộng phục vụ đi lại cho bà con ban đêm… Cụ thể như: tuyến đường Đông Kim – Xuân Thiện dài 6,8 km, tuyến đường Tây Kim – Thanh Bình. Ngoài việc đóng góp kinh phí, bà con giáo dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng các tuyến đường đảm bảo được thông thoáng, khang trang. Hằng năm, tiến hành nâng cấp, tu sửa các tuyến đường nội thôn được sạch đẹp, nạo vét kênh mương được thông thoáng.
Bên cạnh việc vận động đóng góp một phần mặt bằng xây dựng Trường Tiểu học Phù Đổng; quyên góp kinh phí (hơn 10 triệu đồng/ năm) tặng quà, học bổng cho các em học sinh nghèo- hiếu học. Ban Hành giáo đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của xã đến từng gia đình vận động phụ huynh và các em học sinh đã bỏ học đến lớp. Cách làm là tìm hiểu rõ nguyên nhân, sau đó giải thích, vận động và giúp đỡ các gia đình khó khăn để tạo điều kiện cho các em tiếp tục theo học.
Và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”:
Vận động bà con giáo dân thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước; các nội quy, quy định, quy ước, hương ước của địa phương để xây dựng đời sống văn hóa mới; xây dựng tình làng- nghĩa xóm; giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ gìn ANTT khu dân cư; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật. Duy trì và giữ gìn các hoạt động mang đậm nét truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ đó, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” hằng năm.
Trong lĩnh vực môi trường: vận động bà con giáo dân tích cực phát triển chăn nuôi, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, vận động tham gia thu gom và xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường trên từng địa bàn dân cư.
Tổ chức cho bà con giáo dân học tập về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể như: học tập Nghị định 26/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các hoạt động tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Nghị định 22/2005/NĐ-CP; triển khai học tập về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vận động bà con giáo dân tích cực tham gia Phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Giáo dục, cảm hoá những đối tượng lầm lỡ tạo điều kiện hoà nhập với cộng đồng. Bằng uy tín của mình, với cương vị là Phó chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất, Linh mục Lê Vinh Hiến đã thường xuyên tuyên truyền cho giáo dân đề cao cảnh giác với những kẻ xấu hay phao tin đồn thất thiệt, mê tín dị đoan như đã từng xảy ra ở các địa bàn khác.
Một mặt, vận động quần chúng tín đồ không nghe theo kẻ xấu, không tụ tập đông người. Mặt khác, giải thích cho bà con giáo dân tin và nghe theo: “nếu làm như vậy, sẽ làm giảm uy tín của người Công giáo. Bởi vì, không phải chỗ nào, lúc nào Đức Mẹ cũng “hiện hình” hay “Đức Mẹ khóc”... Ví dụ, trong vụ giải tán được đám đông ở Quốc lộ 20, Linh mục Hiến đã chủ động cùng với một số Linh mục ở các Giáo xứ vận động, kêu gọi giáo dân không tụ tập đông người, gây cản trở giao thông trên Quốc lộ 20 sau khi có va chạm giữa cảnh sát giao thông với một số thanh niên Công giáo.
Hàng năm, cùng với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động thanh niên và gia đình chấp hành và thực hiện nghĩa vụ quân sự, tích cực tham gia đăng ký, khám tuyển và tình nguyện nhập ngũ, tổ chức động viên thăm hỏi, tặng quà cho thanh niên nhập ngũ. Kết quả hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao quân 100%.
...
Thông qua những công việc thầm lặng của mình, trong những năm qua Linh mục Lê Vinh Hiến đã được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Công an; tỉnh Đồng Nai và huyện Thống Nhất tặng nhiều bằng khen và kỷ vật. Năm 2010, Linh mục vinh dự được tỉnh Đồng Nai chọn là một trong ba gương điển hình của tỉnh tham dự Hội nghị Biểu dương điển hình dân vận khéo toàn quốc và được đề nghị Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen.
Bằng năng lực, uy tín và đặc biệt là phương pháp “Dân vận khéo” của mình, thông qua chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Linh mục Lê Vinh Hiến và Ban Hành giáo sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân theo phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”.