Gương điển hình

Nhớ mãi cố Thanh Ngã

Cập nhật lúc 11:07 24/03/2023
(viết về cha cố Phaolô Nguyễn Văn Thảnh (Thanh Ngã), nguyên cha sở Bãi Xan)
Nhà thờ Bãi Xan như một trung tâm văn hoá của cả khu vực, giáo xứ Bãi Xan có bề dày lịch sử hơn trăm năm.
Nhà thờ Bãi Xan như một trung tâm văn hoá của cả khu vực, giáo xứ Bãi Xan có bề dày lịch sử hơn trăm năm.
Bãi Xan nơi tôi đã từng đặt chân đến khi về thăm cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Thảnh dịp ngài chia tay giáo xứ và bổn đạo (năm 2016) lui về nghỉ dưỡng sau 41 năm phục vụ Hội Thánh Chúa nơi họ đạo này. Nói cho đúng là 46 năm chứ không phải 41 vì chưa kể đến 5 năm khi cha Phaolô làm phụ tá Bãi Xan cho cha Diệp thời cha Diệp làm chánh sở Bãi Xan. Lần này về thăm lại Bãi Xan thăm họ đạo, thăm cha sở đương nhiệm cũng là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Trà Vinh Phêrô Trần Văn Kích công tác. Dịp này cha Phêrô cũng kể cho chúng tôi nghe về chuyến thăm của đoàn công tác Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ ghé thăm, cha cho xem mấy tấm hình chụp với đoàn rồi dẫn chúng tôi thăm lại toàn bộ khu vực nhà thờ, nhà xứ. Cha cho biết về họ đạo đến nay đã gần 7 năm, cũng đã có tu sửa đôi chút như cho nâng toàn bộ nền sân nhà thờ, nhà xứ để tránh ngập nước, xây thêm tượng đài thánh Giuse và làm Thánh giá mới nơi núi đá Đức Mẹ. Sơn nước bảo dưỡng toàn bộ trong ngoài nhà thờ nhà xứ. Nhìn cảnh quan, tôi kể lại cho cha nghe về người thầy, người cha tiền nhiệm của ngài, bồi hồi nhớb n9 và ghi lại chuyến đi lần đầu cách đây 7 năm về trước mà ước mong “thời gian ơi ngừng lại!”.




 
 Linh mục Phaolô Nguyễn Văn ThảnhThánh tại lễ tạ ơn Ngọc Khánh 60 năm linh mục
Linh mục Phaolô Nguyễn Văn ThảnhThánh tại lễ tạ ơn Ngọc Khánh 60 năm linh mục
Hôm ấy, xe ra khỏi thành phố, xe vào đường cao tốc trực chỉ Tiền Giang. Bao kỉ niệm xưa trở về. 
8 giờ 30, xe qua cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến tre, đi tiếp xuống huyện Mỏ Cày Nam rồi trực chỉ cầu Cổ Chiên. Khoảng 9 giờ chưa thấy các đồ đệ xuống, Cố Tổng nóng lòng điện cho Thu Lãnh xem tới đâu rồi, cha chỉ lo không biết con cái mình có trắc trở gì sao chưa thấy đến. Do chưa đi lần nào, cháu Pháp lái xe chạy từ từ cho chắc ăn, vả lại vừa đi vừa muốn ngắm cảnh nên cũng không vội vã gì. Xe lên cầu, với mọi người lần đầu đi đường này, ngắn hơn đường qua Vĩnh Long nghe đâu cả 50 km, thật thú vị. Cầu bắc ngang con sông Tiền, mùa mưa nước đục ngầu phù sa báo hiệu cho một mùa bội thu của miền Tây sông nước sau những ngày nắng hạn, bị nước biển dâng xâm hại. Từ trên cầu, phía xa xa bên phải thấp thoáng bóng ngọn tháp ngôi nhà thờ. Đúng vậy, nhà thờ kia rồi! cả xe như reo lên. Qua cầu quẹo phải, vòng theo con lộ nhỏ, rẽ trái rồi chạy thẳng, ngôi nhà thờ cuối đường hiện ra. Đúng 9 giờ 30, xe vào sân nhà thờ, một thầy chủng sinh trẻ ra đón.
Cố Tổng ra tận xe dắt tay cả đám vào với vẻ mặt vui tươi. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, vẫn dáng người mảnh khảnh, tưởng chừng yếu ớt nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, nụ cười vẫn tươi tắn toát lên một sức sống trẻ nơi người già. Cố Tổng hỏi thăm từng người về công việc, về gia đình. Cố dắt tham quan nhà thờ, cơ sở nhà xứ, dãy nhà sinh hoạt,… Hai chiếc bàn tròn đã kê sẵn với hơn chục chai nước lọc, vài đĩa bánh qui và đặc biệt 2 đĩa trái nhãn đặc sản vừa hái xuống từ trên cây của vườn nhà xứ. Các chị nữ tu tươi cười qua lại, mời chào dùng nước, ăn bánh, trái cây. Một chị thổ lộ: ”Sáng giờ con thấy ông cố trông mấy bác, mấy cô dữ nha, cứ ra vào, lên xuống coi bộ chờ lắm đó!”. Thế mới biết tấm lòng của Cố Tổng với anh chị em chúng tôi chí thiết thế nào.
Nhà thờ Bãi Xan không hoành tráng nhưng toát lên vẻ trang nghiêm thánh thiện. Từ cổng bước vào, mặt chính diện là tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu giang tay mời gọi với trái tim chiếu những tia sáng, mô phỏng theo linh ảnh Lòng Chúa Thương xót. Phía trên ngọn tháp là bảng chủ đề: “Năm Thánh Lòng Chúa thương xót”. Cánh trái gắn bảng với hàng chữ: “Hãy hoán cải và canh tân, tha thứ và cho đi để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa”, bên phải đối xứng là tấm bảng ghi: “Phúc thay ai thương xót người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” với nét chữ chân phương rõ ràng, đủ để mọi bổn đạo ai nấy sống tinh thần Năm Thánh và ghi nhớ trong lòng bổn phận đối với Thiên Chúa và anh em đồng loại, qua những câu trích trong Tin Mừng. Tôi nhớ đến một câu nói của một vị cha già đáng kính trong Hội Thánh “Một linh mục thánh thiện thì giáo dân sốt sắng”. Sân nhà thờ đủ rộng để thiếu nhi, giới trẻ tâp họp. Góc trái là hang đá Đức Mẹ, nơi giáo dân sau giờ lễ mỗi ngày đến dâng mình cầu nguyện với Mẹ. Dường như đây là nét đẹp của các nhà thờ xứ đạo Nam Bộ, nhà thờ nào cũng có núi đá Đức Mẹ, biểu lộ lòng yêu mến Đức Maria cách đặc biệt. Góc sân về phía phải là tượng đài Thương khó với thánh tượng Chúa chịu đóng đinh trên đồi Gôngotha, có Mẹ Maria cùng môn đệ Người yêu dấu. Ngoại vi nhà thờ, phía trái là nhà các “Bà Phước“, hai từ thân thương để chỉ các nữ tu đang phục vụ xứ đạo. Bảng ghi lịch sử hình thành họ đạo từ những năm 80 thế kỷ XIX đến nay đã trên hai trăm tuổi, với 30 vị linh mục là cha sở, trong đó có hai vị Giám mục là Đức cha Giuse Trần Văn Thiện (1956-1958), Giám mục giáo phận Mỹ Tho và Đức cha Raphael Nguyễn Văn Diệp (1958-1961), Giám mục phó Mỹ Tho. Số linh mục gốc là bổn đạo Bãi Xan là 8 cha đang phục vụ tại giáo phận và ở nước ngoài. Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân, nguyên Giám mục giáo phận Vĩnh Long cũng là người gốc Bãi Xan. Có 5 thầy đang theo học tại Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ. Số nữ tu gốc Bãi Xan chắc không nơi nào có với trên 100 Dì Phước thuộc các Hội dòng. Hội dòng Mến Thánh giá Cái Mơn đông nhất, 60 dì. Còn lại các Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Chợ Quán và dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho. Giáo dân trên 6000 nhân danh, bao gồm cả hai họ lẻ Đức Mỹ, trên 1200; Nhị Long xấp xỉ 1000. Nhà thờ giáo xứ hiện nay là ngôi nhà thờ thứ tư, được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1963 mới hoàn tất (7 năm). Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh là cha sở thứ 30 tính từ khi giáo xứ có linh mục về coi sóc năm 1825. Năm 2013, giáo xứ kỷ niệm 200 năm thành lập (1813-2013). Ngài đã từng là cha Phó từ năm 1958-1963, sau đó được Đức Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám mục đặc trách Công giáo tiến hành của Hội đồng Giám mục cử làm Tổng Tuyên úy Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam đến năm 1974. Tháng 5/1975, nhận bài sai trở lại làm cha sở Bãi Xan cho đến nay. Một linh mục với 41 năm coi sóc một giáo xứ lớn nhất giáo phận Vĩnh Long, có bề dày truyền thống trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh Chúa tại miền Nam. 
Giờ trưa đã điểm, Ông Cố nhắc chúng mình dọn bàn để chuẩn bị bữa ăn. Chẳng thấy có nấu nướng ở nhà bếp, Thầy trẻ giúp xứ cũng không thấy lo thức ăn, đồ uống, thế nhưng chỉ ít phút sau các dì, các cô bên nhà Bà Phước mang đồ ăn qua. Hàng chục cái bánh xèo Bãi Xan vàng rực thơm ngon. Thì ra Ông Cố đãi bằng một bữa thuần túy Nam Bộ. Mọi người gặp gỡ các quí chức trong họ đạo rồi ngồi vào hai bàn ăn đã dọn sẵn. Các ông một bên, các bà một bên. Món bánh xèo Nam Bộ, nhân bánh thay cho giá đỗ thì được bà Tám bổn đạo làm bằng dừa nạo khiến ai nấy trầm trồ thưởng thức. 
41 năm làm cha sở ở một họ đạo vùng sâu sông nước Cửu Long nhưng lại là một họ đạo lớn của giáo phận Vĩnh Long. Cha về Bãi Xan nhưng còn phải chăm lo cho các họ lẻ như Nhị Long, Đức Mỹ, Cái Hô. Những năm 80, điện còn chưa về, bà con nhân dân trong huyện còn nghèo chủ yếu trồng lúa, khó nhọc nhưng cũng không đủ ăn, nhà nước phải cứu đói. Cha từng lội ruộng làm nông với mọi người, có lần ngã quỵ ngay trên ruộng lúa bổn đạo phải đưa đi cấp cứu. Cha lặn lội tìm cách cải thiện cuộc sống cho bà con lương giáo trong vùng, vận động xin người quen trên thành phố giúp cho một số máy may về mở lớp dạy may cắt cho thiếu nữ trong xã; vận động xây dựng nhà giữ trẻ do các dì phước nuôi dạy giúp cho cha mẹ ra đồng. Các cháu tiểu học thì trường của nhà xứ gần bên được nhà nước tiếp quản dạy con em, nhưng lên cấp II thì phải đi xa, lên xã. Cha vận động giáo dân và những nhà hảo tâm xây trường. Học sinh hết lớp 9 muốn học cấp III phải lên tỉnh, ngài làm lưu xá để học sinh có chỗ trọ học. (lưu xá này khi xã có trường cấp III được dành cho các sinh viên trọ). Những năm sau này ngài xin tài trợ mở các lớp phổ thông trung học, mời giáo viên về dạy, dần dà đã hình thành trường cấp III hiện nay.
Cơm nước xong, Ông Cố chỉ cho anh chị em nơi nghỉ trưa được dọn sẵn là nhà sinh hoạt của giáo xứ được chuẩn bị hôm trước. Anh chị em chẳng ai vào nghỉ, tranh thủ trò chuyện cho bõ những nhung nhớ sau bao ngày không gặp nhau. Nghe cha kể về lịch làm việc trong ngày, sáng ra lễ xong nghỉ ngơi chút rồi ăn sáng. Sau điểm tâm đi thăm bổn đạo hay làm công việc trong xứ. Rảnh việc thì đọc sách, viết sách... 
Chuyện trò rồi cũng đến lúc phải dừng, anh chị em xin phép cha chia tay về lại Sài Gòn.  
Hồi ức này tôi ghi lại để nhớ mãi cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh, năm nay đã 89 tuổi, cha hiện nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng giáo phận Vĩnh Long, sức khỏe cũng đã giảm sút đi nhiều. Một linh mục hết lòng phục vụ Giáo hội và quê hương, luôn đồng hành với dân tộc. Xin Chúa ban cho cha sự bình an, sống phó thác những ngày cuối đời.
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Ý tưởng thành lập tổ chức Công giáo yêu nước Toàn quốc (24/03/2023)
Thành lập Ủy ban liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc yêu hòa bình - tiền thân Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (16/03/2023)
Người doanh nhân Công giáo sống đạo giữa đời (16/03/2023)
Đống bào Công giáo Quảng Ngãi sống tốt đời đẹp đạo (16/03/2023)
Phong trào yêu nước của người Công giáo đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc (16/03/2023)
Đôi vợ chồng hiến máu cứu người (24/02/2023)
Một chuyên gia trí tuệ nhân tạo người Việt gia nhập dòng khổ hạnh (20/02/2023)
Tuyệt vời không gian xanh tươi ở xứ đạo Đại Từ (10/02/2023)
Vị linh mục sống "tốt đời đẹp đạo" (30/01/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log